Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm: Nỗ lực hướng tới Net zero

Theo xu thế chung của thế giới, sản xuất xanh, hướng tới giảm phát thải để bảo vệ môi trường sống, chống biến đổi khí hậu, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan - đơn vị thành viên của SATRA) đã đưa ra những giải pháp chiến lược để phù hợp với những yêu cầu này.

Vissan sử dụng túi nylon tự hủy để bảo quản và phân phối sản phẩm đến khách hàng
Vissan sử dụng túi nylon tự hủy để bảo quản và phân phối sản phẩm đến khách hàng

Sản xuất xanh để đáp ứng xu thế

Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Theo xu thế này, nhiều thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tiêu chuẩn bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Yêu cầu này ngoài hướng tới mục tiêu phát triển bền vững còn nhằm đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng khi ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, có yếu tố xanh.

Trong số doanh nghiệp đã đạt được thành công ban đầu về sản xuất các sản phẩm xanh tại Việt Nam, phải kể tới Công ty Vissan. Tham gia xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Bắc Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc…Vissan hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thông qua việc đưa phát thải ròng về 0 (Net zero) và có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Có lộ trình thực hiện giảm phát thải

Tại hội thảo có chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững”, được tổ chức gần đây, ông Trương Hải Hưng, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết, Vissan đã thực hiện việc giảm phát thải theo đúng lộ trình và những giải pháp đồng bộ do Bộ TN-MT hướng dẫn.

Cụ thể, doanh nghiệp mạnh tay đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất, một mặt giảm lượng nhiên liệu và năng lượng tiêu thụ, tăng hiệu quả kinh tế. Công ty cũng đầu tư vào các hệ thống năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng hơi từ lò hơi đốt trấu nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, từ đó giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với hệ thống bán hàng, Vissan sử dụng túi nylon tự hủy để bảo quản và phân phối sản phẩm đến tay khách hàng, an toàn cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường, đồng thời chuyển từ khay nhựa sang sử dụng khay giấy trong các bao bì sản phẩm.

Với sản phẩm, công ty đã xây dựng các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu như: tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed - Farm - Food; xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định trong dài hạn. Công ty đã triển khai kế hoạch kinh doanh sản phẩm khay vỉ theo quy trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP với hình thức đóng khay đẹp mắt, hiện đại, giúp tăng chất lượng sản phẩm, phù hợp xu thế. Từ đó, góp phần giúp những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và gần gũi với tự nhiên, hạn chế tối đa các phụ gia có hại đã được Vissan nghiên cứu, đưa ra thị trường như sản phẩm thịt heo thảo mộc, thịt heo đạt chuẩn VietGAP, chả giò tôm cua, nem nướng đông lạnh, nem bò tiêu xanh…

Từ những nỗ lực này, dù bối cảnh thị trường thực phẩm chế biến cạnh tranh khốc liệt nhưng Vissan vẫn giữ nhịp tăng trưởng, đồng thời nhận được sự tin yêu và ủng hộ của người tiêu dùng. Báo cáo kết quả kinh doanh của Vissan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 65 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng thông báo, đầu tháng 10-2024, Vissan sẽ trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 6% (600 đồng/ cổ phiếu), dự tính Vissan sẽ chi khoảng 49 tỷ đồng để trả cổ tức cho khoảng 80,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Tin cùng chuyên mục