Nhà sản xuất tăng nguồn hàng
Trước tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đã làm việc với các hiệp hội, DN chủ lực trên địa bàn để có kế hoạch tăng cường những mặt hàng nhu thiết yếu phục vụ cho người dân miền Trung theo chỉ đạo từ UBND TPHCM. “Hiện tại các nhà máy đã tăng ca sản xuất thực phẩm và một số đồ bảo hộ như áo phao, thuốc men… nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của các tỉnh vùng lũ. Đặc biệt, các DN sản xuất áo phao, nhu yếu phẩm đều khẳng định sẽ đảm bảo giá thành sản xuất tốt nhất cho bà con. Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc tích cực này, TPHCM sẽ gián tiếp giúp cho đồng bào miền Trung sớm khắc phục được hậu quả của mưa lũ”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.
Giống như Vĩnh Thành Đạt, các nhà máy của Công ty CP Sài Gòn Food hầu như hoạt động hết công suất, trong đó dây chuyền sản xuất cháo tươi được DN huy động công nhân làm ngày đêm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food thông tin, do nhu cầu mua cháo cứu trợ miền Trung tăng đột biến nên dây chuyền sản xuất cháo tươi của công ty phải làm việc ngày đêm. Không chỉ tăng công suất, công ty cũng cam kết giá bán chỉ 8.000 đồng/túi cháo, dành riêng cho các đoàn thiện nguyện cứu trợ miền Trung.
Ngoài DN này, rất nhiều đơn vị sản xuất mì tôm, thực phẩm chế biến khác của TPHCM như Vissan, Meizan… cũng tăng công suất hoạt động, cam kết không tăng giá sản phẩm trên thị trường.
Doanh nghiệp phân phối giao hàng tận tâm bão
Cùng với DN sản xuất, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ở TPHCM đã chung tay hướng về miền Trung thông qua việc đặt số lượng lớn sản phẩm nhu thiết yếu cứu trợ bà con. Tuy nhiên việc tìm kiếm, huy động, vận chuyển hàng hóa cứu trợ không hề dễ dàng bởi hệ thống đường sá ít nhiều đã bị hư hỏng nặng vì bão lũ. Một số DN tại TPHCM dù sẵn sàng đặt lượng hàng lớn để đi cứu trợ nhưng lại bị “dội ngược” bởi công tác vận chuyển.
Mới đây, trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TPHCM đã chia sẻ câu chuyện về một mạnh thường quân đặt mua cháo ăn liền trị giá khoảng 500 triệu và được Co.opmart báo giá giao tới các điểm cứu trợ. Sau đó vị này hỏi mua trực tiếp cháo từ DN, được báo rẻ hơn khoảng 10% kèm điều kiện giao hàng tại TPHCM. Vị này không để ý và quyết định mua từ DN, tính chi phí vận chuyển ra miền Trung mới biết giá đội thêm trên 200 triệu đồng. “Tính ra, mua trực tiếp từ Co.opmart là hiệu quả nhất. Với hệ thống Co.opmart đã phủ rộng khắp trên cả nước, để hỗ trợ công tác cứu trợ, Co.opmart sẽ chịu trách nhiệm đóng gói quà và giao đến tận nơi cứu trợ cho các nhóm từ thiện có nhu cầu. Như vậy, vừa đảm bảo chất lượng hàng cứu trợ, vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển”- ông Quỳnh nhận định.
Từ thực tế trên, Saigon Co.op ngoài theo sát diễn biến thời tiết và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho trung tâm và kịp thời vận chuyển đến các tỉnh miền Trung đã cho thành lập đường dây nóng tiếp nhận các đơn hàng tại TPHCM rồi chủ động bù chi phí để vận chuyển nhanh đến các địa phương trong tâm bão. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tập thể Saigon Co.op đồng lòng đóng góp và hướng về miền Trung, xem đây là trách nhiệm xã hội mà đơn vị phải thực hiện. May mắn là tinh thần này đã được lan tỏa và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan đoàn thể, các đối tác. Tất cả các đơn hàng hướng về miền Trung ruột thịt, dù là hàng hóa gì, dù là do ai đặt hàng, Saigon Co.op đều có chính sách hỗ trợ đặc biệt.
Để có thể thực hiện như vậy, nhà bán lẻ này đã chủ động lên kế hoạch và bắt tay cùng những đối tác chiến lược liên tục giảm giá các loại nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ theo hướng bù đắp chi phí cho các loại mì gói, nước đóng chai, xúc xích, sữa.. Đồng thời triển khai các phương án tăng dự trữ hàng hóa cho các siêu thị miền Trung và các khu vực lân cận để kịp thời linh động hỗ trợ nhau, đảm bảo hàng nhu yếu phẩm không dứt hàng.
Theo ước tính, 2 tuần qua, các siêu thị Co.opmart tại khu vực miền Trung đã giao hàng tận nơi miễn phí theo yêu cầu của các đoàn thể, DN, cá nhân hảo tâm đến các địa điểm tập trung hàng hóa cứu trợ và bản thân các siêu thị này phối hợp các cơ quan tổ chức trực tiếp cứu trợ tại tâm bão gần 600 tấn hàng hóa. Trong quá trình vận chuyển, một số đoạn đường nhão lún, xe chở hàng của siêu thị đã được các chiến sĩ bộ đội và người dân hết lòng hỗ trợ.