“Gác cửa” của doanh nghiệp
Công ty cổ phần Future Horizon đang tuyển nhân viên pháp lý am hiểu pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ứng viên được yêu cầu thông thạo soạn thảo hợp đồng và các loại văn bản pháp lý liên quan đến Luật Doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, đầu tư, dự án, thương mại…
Tương tự, Công ty Tài chính TNHH HD SAISON tuyển giám sát pháp chế và tuân thủ với nhiệm vụ “đảm bảo các hoạt động của công ty tuân thủ quy định pháp luật”. Người giám sát pháp chế cũng được công ty kỳ vọng đưa ra các ý kiến tư vấn hoặc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh; soạn thảo, xem xét, chỉnh sửa, góp ý với các tài liệu của công ty hoặc hợp đồng với đối tác. Nhân sự pháp chế cũng thường xuyên xem xét các quy định, quy trình nội bộ của công ty, đảm bảo các quy định này không trái luật; thường xuyên cập nhật các sửa đổi pháp luật có tác động đến hoạt động công ty.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đang tuyển dụng quy mô lớn và tuyển gấp các vị trí kiểm soát viên, khối quản lý rủi ro, giám sát tín dụng trực tiếp… có yêu cầu tốt nghiệp ngành luật.
Nhân sự có trình độ về luật pháp sẽ lo các khâu kiểm tra, đưa ra cảnh báo sớm, đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng…
Ngoài trình độ chuyên môn, OCB yêu cầu ứng viên có Anh văn giao tiếp, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, đề xuất phương án thực hiện. DN này đánh giá cao ứng viên có tinh thần chủ động, trách nhiệm trong công việc.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP quân đội (MB) tuyển cử nhân luật làm kiểm soát pháp chế đối với các quy định nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu hợp đồng đảm bảo pháp lý… Yêu cầu của MB cũng là biết tiếng Anh, có kiến thức tổng hợp về luật pháp, kinh tế, ngân hàng - tài chính và là người có kinh nghiệm.
Bà Võ Thị Minh An, giám đốc nhân sự Techcombank, cho hay trong ngành ngân hàng, rất nhiều bộ phận cần nhân sự như pháp chế, quản trị rủi ro, kiểm soát, an ninh nội bộ...
Học luật không chỉ làm kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư
Đó là nhận xét của PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, nhu cầu thực tế đã mở ra nhiều cơ hội cho người học luật. Trước đây, xã hội mặc định tốt nghiệp luật chỉ làm kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư; giờ đây, còn có thể làm tư vấn, công chứng viên, thừa phát lại, pháp chế trong các DN...
Nhờ đó, cơ hội việc làm của người có hiểu biết về pháp luật cũng cao hơn. Riêng Trường ĐH Luật TPHCM, tỷ lệ sinh viên có việc làm tăng dần hàng năm, năm 2016 là 86%, năm 2017 đạt 89%. Mới đây, ngày hội việc làm do trường tổ chức đã thu hút 30 đơn vị và DN cung cấp 300 cơ hội việc làm.
Bà Võ Thị Minh An chia sẻ thêm kiến thức luật pháp là yêu cầu cần nhưng không phải là đầu tiên và duy nhất. Các yếu tố khác như kỹ năng, tâm thế chủ động học hỏi, tính cách kiên trì bền bỉ… mới là điều thực sự các DN muốn ở ứng viên. Và chỉ khi nhìn sâu vào các kỹ năng, DN mới có thể sắp xếp nhân sự vào công việc thích hợp, đặc thù.
Ông Phạm Công Tuấn Hạ, Giám đốc Pháp chế của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) giám đốc dự án IURA kết nối các luật sư đến với người có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý và ngược lại - cho hay, là giám đốc pháp chế, tôi “bán sự an toàn”.
Ông Hạ chia sẻ, DN cần sự an toàn mới tuyển dụng những người am hiểu về pháp luật nên những người lao động theo đuổi con đường này “cần phải giải quyết tất cả cái gì DN lo lắng”. Một khi ý thức được “thân phận” của mình, người lao động mới có cách hành xử, cố gắng làm thật tốt nhất từ những việc nhỏ nhất. Kỹ năng quan trọng nhất, theo ông Hạ, là thấu hiểu, để có sự chia sẻ, giải quyết vấn đề phù hợp.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM đánh giá, việc tuyển nhân sự rành rẽ về pháp lý là vấn đề mới đối với các DN, song đang được các DN đã hoạt động ổn định tính đến, nhất là trong bối cảnh hội nhập và mở rộng xuất nhập khẩu.
Chỉ riêng nhu cầu các chuyên viên pháp lý trình độ đại học cho các DN ở TPHCM và lân cận từ nay đến năm 2025 là khoảng 3.500 người/năm và tăng dần. Xu hướng này cho thấy, thay vì điều hành bằng kinh nghiệm, các DN giờ đây đã chú trọng có nhân sự “tải” kiến thức pháp luật, cập nhật quy định pháp luật vào đời sống DN.
Bộ phận đặc thù này cũng góp phần thương thảo, đàm phán các hợp đồng; thẩm định dự thảo thỏa thuận, hợp đồng để đảm bảo không trái pháp luật lại không sơ hở, sai sót pháp lý; tham mưu, tư vấn, đánh giá các rủi ro pháp lý phát sinh trong sản xuất kinh doanh.