Doanh nghiệp rà soát bản quyền sử dụng phần mềm nếu không muốn "đụng" phải luật hình sự

Đã đến lúc các doanh nghiệp gấp rút rà soát tình hình sử dụng phần mềm và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính... nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện.
Rất đông doanh nghiệp tham dự tọa đàm
Rất đông doanh nghiệp tham dự tọa đàm

Hôm nay 20-4, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA| Liên minh Phần mềm tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)”.

Trong bối cảnh Bộ luật Hình sự sửa đổi mới có hiệu lực từ đầu tháng 1-2018 và nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ được hết các quy định mới, buổi tọa đàm này mang lại cho các doanh nghiệp và các nhà quản lý hiểu biết rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định mới, đồng thời giúp các doanh nghiệp có giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền sở hữu trí tuệ và tránh những nguy cơ trách nhiệm hình sự nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Đây là chuỗi sự kiện  nằm trong Tháng hành động hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”, thảo luận về những chủ đề mang tính thời sự đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đã có hiệu lực từ đầu năm nay.
Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra,  Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trình bày về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực phần mềm máy tính trong bối cảnh Bộ Luật hình sự mới đã có hiệu lực.  
“Điều 225 Bộ luật Hình sự sửa đổi đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm máy tính. Với những hình phạt nghiêm khắc được quy định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi này đã có hiệu lực, tôi cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình, và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện”, ông Minh nói.
Bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Năm 2017, cơ quan chức năng đã thực hiện quyết định thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1.650.000.000 đồng (một tỷ, sáu trăm lăm mươi triệu đồng) và nộp vào ngân sách nhà nước. Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 đoanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.
Tại buổi tọa đàm, ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, BSA| Liên minh Phần mềm đưa ra những giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp. Trong đó, ông Gary khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng mô hình quản lý tài sản phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép trong tổ chức. 

Tin cùng chuyên mục