Sáng 13-7, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017 dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cùng tham dự có Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7.
Tại buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin cụ thể hơn một số nội dung trong đề án sắp xếp, tinh gọn doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 17 DNQĐ được Bộ Quốc phòng đề xuất giữ lại đều có 100% vốn Nhà nước, nhiệm vụ của các DNQĐ này được xác định rõ là quân sự, quốc phòng kết hợp lao động sản xuất. Ngoài ra, trong đề án còn có 12 doanh nghiệp (DN) cổ phần (50% vốn Nhà nước), dù thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh nhưng khi có sự điều động phục vụ quốc phòng, các DN này vẫn phải thực hiện. Số DN làm kinh tế thuần túy còn lại trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại, dịch vụ… sẽ được thoái vốn, giải thể.
Báo chí nêu vấn đề, gần đây có ý kiến trái chiều về chủ trương quân đội làm kinh tế của lãnh đạo Bộ Quốc phòng trên các diễn đàn, hội nghị, phải chăng Thường vụ Quân ủy Trung ương chưa thống nhất cao chủ trương này? Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), khẳng định không có việc không thống nhất trong Quân ủy Trung ương. Liên quan đến nội dung thông tin quân đội không làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại do Thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TPHCM ngày 23-6, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho rằng, Thượng tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý, chưa đầy đủ nên dư luận chưa hiểu rõ. “Quân đội không làm kinh tế tức là không làm kinh tế đơn thuần mà phải gắn với quốc phòng”, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói.
Giải thích về việc Bộ Quốc phòng chuyển giao một số khu đất quốc phòng ở TPHCM như: Tổng kho xăng dầu K168, Nhà máy Z751… cho các tập đoàn, DN tư nhân khai thác, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói việc chuyển giao này xuất phát từ yêu cầu của TPHCM, nhằm tránh những tác động môi trường từ nhà máy đối với các khu dân cư, người dân sống xung quanh và cũng để phù hợp với quy hoạch của TP. “Khi di dời các nhà máy, Bộ Quốc phòng không có tiền, Chính phủ cũng không có tiền nên Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).