Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng khẳng định, để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các bộ, ngành và sự hợp sức thực thi của cộng đồng DN. Cộng đồng DN đóng một vai trò quan trọng khi vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội, tạo ra nguồn lực thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, cho biết, rác thải nhựa đang là vấn nạn trên toàn thế giới, khoảng 40% rác thải nhựa không được xử lý, gây ra những tác hại đối với môi trường, khí hậu. Việt Nam là một trong số những quốc gia tiêu thụ nhựa lớn, xếp thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với xu hướng phát triển của ngành nhựa thế giới, việc nghiên cứu sử dụng nhựa phân hủy sinh học nhằm bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm của các DN.
Dự kiến đến năm 2025, tổng nhu cầu nhựa phân hủy sinh học của Việt Nam vào khoảng 80.000 tấn/năm. Vì vậy, phát triển nhựa phân hủy sinh học rất có tiềm năng. Đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, An Phát Holdings cũng đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học hoàn toàn đầu tiên ở Đông Nam Á, với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD, công suất dự kiến 30.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.
Tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh
Các chuyên gia môi trường cho rằng, phát triển xanh, bền vững không chỉ giúp cho DN tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm phát thải đầu ra, góp phần chung tay cùng Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải về 0, mà DN còn có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính xanh từ các tổ chức trong nước cũng như quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings (công ty cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm), trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh nói riêng đang là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Trên toàn cầu, các trái phiếu được chứng nhận xanh đã đạt tới 210 tỷ USD tính đến cuối năm 2021. DN hoàn toàn có thể tìm kiếm chương trình huy động vốn trái phiếu xanh phù hợp trên thị trường quốc tế và đăng ký xác nhận nếu đáp ứng đủ các tiêu chí. Để mở rộng không gian gọi vốn cho DN, ông Nguyễn Quang Thuân cũng đã giới thiệu về trái phiếu khí hậu của Climate Bonds Initiative (CBI). Các tổ chức phát hành trái phiếu của CBI đem lại rất nhiều lợi ích như tối ưu chi phí vốn, đa dạng hóa cơ sở đầu tư, giúp nâng cao danh tiếng cho DN, bởi chứng nhận cho phép tổ chức phát hành liên kết DN của mình với các sáng kiến để thúc đẩy các hoạt động tài chính bền vững trong nền kinh tế carbon thấp - lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý bởi cách tiếp cận sáng tạo hướng tới bền vững.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cũng cho biết, ngành ngân hàng đã định hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững; hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30-6-2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).
“Để tín dụng xanh hoạt động hiệu quả, thuận lợi hơn, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ. Mặt khác, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh”, bà Phạm Thị Thanh Tùng kiến nghị.
Ông PHẠM VĂN TẤN, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT): Lựa chọn chiến lược của Việt Nam Chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Các DN cần chuẩn bị cả về nhân lực, có đủ khả năng thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Để tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng, các DN cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường carbon. Đồng thời, các DN cần tăng cường hợp tác các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình. Ước tính, chi phí cho các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực giai đoạn 2021-2050 khoảng 374 triệu USD. |