Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt. Qua đó, hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.
Tuy đất nước sản xuất nông nghiệp có hơn 1.700 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được kiểm soát, nhưng chỉ một số tập đoàn lớn tham gia.
Doanh nghiệp sản xuất cần liên kết để tạo thành chuỗi sản xuất bền vững |
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả các thành viên trong chuỗi, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những dao động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Thực tế, hợp tác liên kết một cách nghiêm túc làm tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong dài hạn.
Để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: tiếp tục cải thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý cũng như các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, tạo điều kiện cho liên kết phát triển.