Tại hội thảo “Công nghệ cao gắn với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và những ứng dụng trong thực tế của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng Công nghệ cao trong nông nghiệp, cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phát triển còn hạn chế, mới chỉ có trên 4.500 doanh nghiệp nông nghiệp.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông sản tại Ngày hội Kết nối Doanh nghiệp TPHCM
Theo ông Dũng, hiện nay, sản xuất trong nông nghiệp chủ yếu theo phong trào, dẫn tới “ giải cứu” nông sản thường xuyên. Trong khi đó, nhiều DN, HTX có đất nhưng không được thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đất đai dùng cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp rất ít. Đầu tư nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp còn rất thấp (kinh phí chỉ 1 đến vài tỷ đồng). Theo phản ánh từ các DN, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ chưa sát thực tế, cụ thể: Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp đã ra đời hơn 3 năm, nhưng DN vẫn khó tiếp cận, trong khi Luật Công nghệ cao chỉ như gió thoảng qua. Trong khi đó, gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng thì lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao (chỉ thấp hơn khoảng 1% so với lãi vay thương mại)
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, một số chuyên gia khác cho rằng, cần phải có các DN “có tâm, có tầm” tham gia sản xuất kinh doanh trong chuỗi sản xuất, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, nhằm đồng hành hỗ trợ các DN này phát triển, Nhà nước cần ban hành những chính sách đột phá về đất đai, tín dụng với lãi suất ưu đãi; ban hành quy chuẩn đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để DN đăng ký và minh bạch hóa.