Điểm sáng
Thực tế cho thấy, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, một số DN nội hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm đã chuyển mình nhanh chóng. Theo đó, thay vì bị gián đoạn sản xuất do đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các DN đã chuyển hóa bằng việc hợp tác hoặc đầu tư nhanh dây chuyền sản xuất nguyên liệu từ nguồn nông, thủy hải sản trong nước.
Phải kể đến hàng loạt DN như Công ty ABC Bakery, Acecook, Sài Gòn Food, Cholimex, Vinamilk, San Hà, Ba Huân… đã chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, kết hợp nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước.
Mặt khác, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn. Điều này, không những giúp DN tăng trưởng tốt mà còn góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, nông nghiệp góp phần vào điểm sáng quan trọng, khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế trong những lúc khó khăn khi tăng trưởng đạt 2,68% (cao hơn mức 2,01% năm 2019) và xuất khẩu liên tiếp xác lập kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với 2019) và thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5%.
Còn trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 2,78 tỷ USD, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 1,35 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Một lĩnh vực khác cũng cho thấy sự bứt phá nhanh của DN trong nước là sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Câu chuyện DN nội “không thể sản xuất ốc vít” đã không còn mà thay vào đó, DN trong nước đã trở thành mục tiêu săn đuổi của nhiều DN đầu đàn.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết, nhiều DN như Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Công ty In Minh Mẫn, Công ty Cơ khí Bách Tùng, Lập Phúc… đã lấp đầy các đơn hàng. Thậm chí, các DN đã phải từ chối nhiều đơn hàng cung ứng vì không đủ công suất sản xuất.
Cần tiếp sức
Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng đầu năm nay, có 33.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, nội lực DN, nhất là DN trong nước vẫn còn yếu trước những cú sốc của thị trường.
Các DN trong nước duy trì lợi thế cũng như duy trì mức lợi nhuận “khủng” trong năm 2020 tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm. Riêng với lĩnh vực công nghiệp nói chung, chỉ mới đáp ứng được đơn hàng sản phẩm giản đơn. Còn những sản phẩm cốt lõi, đòi hỏi công nghệ cao, đa chi tiết thì tỷ lệ đáp ứng còn thấp. Hiện các DN nội chỉ mới là nhà cung ứng cấp 3 hoặc cấp 4 trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI.
Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho nội lực yếu của các DN trong nước. Một là cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN phát triển còn bất bình đẳng giữa DN ngoại và DN nội. Hai là thị trường cung ứng vốn với chính sách ưu đã còn khá hạn chế.
Ông Tống Duy Khanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết, công ty đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghệ cao TPHCM. Thế nhưng đã hơn 4 năm, thủ tục hành chính liên quan đến việc cho phép đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành. Trong khi đó, với DN ngoại, chỉ cần vài tháng là hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết.
Còn với dòng vốn vay ưu đãi, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận. Đơn cử, tính từ đầu năm 2020 đến nay, sau các đợt bùng phát dịch, nhiều DN buộc phải chuyển sang hoạt động cầm chừng do đứt gãy đơn hàng. Chính phủ ngay lập tức đã có nhiều gói tài chính hỗ trợ DN. Thế nhưng, có đến 61% DN cho rằng việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi. Hỏi về nguyên nhân chưa thuận lợi, 28% nêu ý kiến các loại thủ tục còn phức tạp; 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình.
Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, DN nội đuối sức đã tạo khoảng trống trên thị trường và dòng vốn đầu tư DN ngoại đã lập tức xuất hiện. Nhiều DN ngoại đã rút ngắn thời gian xâm nhập thị trường bằng cách mua lại một số DN nội vốn đã có sẵn thị phần nội địa và xuất khẩu.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vẫn tăng thêm tại Việt Nam. Trong đó có 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD. Trước đó, trong năm 2020, có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm 2021, dòng vốn FDI sẽ còn dịch chuyển mạnh sang Việt Nam. Vấn đề là DN nội cần chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, loại hình sản phẩm kết hợp gia cố năng lực sản xuất. Riêng với những DN đã và đang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung ứng đơn hàng lớn hơn.
Quan trọng hơn, để DN có thể làm được vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc khơi thông dòng vốn hỗ trợ, quỹ đất đầu tư, triển khai nhanh chính sách hỗ trợ thuế, phí, lãi suất vay… đến với các DN. Tránh tình trạng như hiện nay, trên đã có chủ trương nhưng dưới thì “thủng thẳng” chờ hướng dẫn.