Bà Phạm Thị Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 5/10 nước thông qua hiệp định CPTPP và chỉ cần 1 trong số các nước còn lại thông qua hiệp định CPTPP là hiệp định sẽ có hiệu lực.
Cũng theo Bộ Công thương, rất có khả năng hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019. Về cơ bản, hiệp định này không khác so với hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó, ngoại trừ việc không tham gia của Hoa Kỳ.
Về độ mở cửa của thị trường, ngay khi hiệp định thông qua sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại. Hàng hóa xuất nhập khẩu từ các nước thành viên đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Về biểu thuế, cắt giảm 100% dòng thuế. Trong đó, có 66% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% (dòng thuế còn lại) về 0% sau 3 năm. Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu, than đá…
Hiện hiệp định này được đánh giá là có quy mô thị trường 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để khai thác mạnh thị trường xuất khẩu vào Nhật Bản, Canada, Mexico, New Zealand, Australia…
Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần sớm tìm hiểu lợi thế mà ngành hàng của mình được hưởng. Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, phải đổi mới quy trình sản xuất của mình, chuyển đổi áp dụng công nghệ để chen chân vào chuỗi cung ứng mà Hiệp định CPTPP sẽ mang lại sau khi có hiệu lực.