Kiệt sức vì khó khăn chồng chất
Phân tích từ Bộ KH-ĐT, hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến hết tháng 7-2021 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm nay, có gần 79.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất tháng 7-2021 so với cùng kỳ của 19 tỉnh, thành ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng trên đà giảm mạnh. Trong đó, TPHCM giảm mạnh nhất 19,4%. Kế đến là Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%, Trà Vinh giảm 5,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%, Bến Tre giảm 0,2%... Số tỉnh còn lại đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh đang phức tạp dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong những tháng tới.
Riêng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngay khi Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16 cho 19 tỉnh thành khu vực phía Nam, kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 7 của ngành đã giảm mạnh 15%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cả tháng đạt 763 triệu USD, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ. Với tình trạng như hiện nay, đà giảm sẽ còn tiếp tục. Điều đáng nói, đây là thực trạng chung của nhiều ngành sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng, giải pháp “3 tại chỗ” chỉ phù hợp thực hiện trong ngắn hạn. Còn về lâu dài thì không DN nào có thể trụ nổi. Thực tế cho thấy, nhiều DN “3 tại chỗ” áp dụng chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng dịch bệnh vẫn xâm nhập. Chưa kể, với DN dệt may, da giày, lượng công nhân đông, từ vài ngàn lên đến vài chục ngàn người thì chỉ có cách đóng cửa chứ không thể hoạt động mà đảm bảo “3 tại chỗ”.
Đảm bảo nguồn cung bằng mọi giá
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhấn mạnh, chỉ tính riêng tại TPHCM từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường, tăng 18,99% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên số lượng DN “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục và điều này rất đáng lo ngại.
Khảo sát nhanh trên 100 DN bằng hình thức online cũng chỉ rõ, trên 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Mặc dù một số DN ở các ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu, điều chỉnh hoạt động phù hợp với điều kiện hiện tại cùng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, các DN đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao khiến sức cạnh tranh thị trường giảm. Không dừng lại đó, hệ thống phân phối gặp không ít khó khăn do cửa hàng xuất hiện ca F0, bị buộc tạm ngưng hoạt động trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh.
Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho rằng, việc cho tái lập cửa hàng bán hàng thiết yếu đã được rút gọn. Saigon Co.op - với vai trò đơn vị chủ lực cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đã nỗ lực kết hợp chặt chẽ với DN để chủ động kế hoạch sản xuất, tăng tỷ lệ hàng dự trữ để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa. Hiện các nhà cung ứng của hệ thống Saigon Co.op đảm bảo duy trì hàng dự trữ tại kho đạt 40%- 50%, đảm bảo cung ứng cho người dân 6 tháng tới. Tuy nhiên, do phải áp dụng biện pháp giãn cách trong quá trình mua hàng trực tiếp nhằm đảm bảo phòng chống dịch và lượng đơn hàng online quá lớn trong khi lực lượng shipper không nhận giao hàng vừa qua đã gây nhiều bất tiện cho người dân. Tình trạng trên sẽ sớm được khắc phục, hệ thống sẽ nỗ lực để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân bằng mọi giá có thể.
Để giải quyết những khó khăn chung của các DN hiện nay, chỉ có 2 giải pháp là phủ nhanh vaccine để sớm tạo miễn dịch cộng đồng và đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt. Cũng theo nhiều DN, ngoài việc Bộ Y tế tìm nguồn cung vaccine thì cần hỗ trợ các hiệp hội tiếp cận và đàm phán để chủ động mua vaccine. Bên cạnh đó, nhanh chóng minh bạch hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất để DN chủ động nhập khẩu vaccine. Phủ nhanh vaccine tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp hiệu quả giúp DN duy trì hoặc tái hoạt động sản xuất.
Song song đó, Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh thành phải đảm bảo thông thoáng mọi con đường, hệ thống cảng biển. Chấm dứt tình trạng “phép vua thua lệ làng” và xe của DN TPHCM vẫn bị chặn tại nhiều tỉnh thành. Đặc biệt, cần duy trì hoạt động của hệ thống shipper để người dân an tâm ở nhà chống dịch.