Xa tầm với
Mặc dù doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn, đến hơn 90% số lượng doanh nghiệp.
Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được coi là trụ cột của nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 40% GDP và sử dụng tới 51% lao động xã hội. Còn doanh nghiệp tư nhân nói riêng chính là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra phong trào khởi nghiệp. Thế nhưng, lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực, kể cả việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đương nhiên, trong đó lý do cũng có phần do các doanh nghiệp như thiếu tài sản bảo đảm, không chứng minh được hiệu quả của cả quá trình sản xuất kinh doanh, phương án kinh doanh không rõ ràng, thiếu thuyết phục. Về phía ngân hàng, thủ tục vay vốn còn phức tạp, không mặn mà với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngại thẩm định vì sợ trách nhiệm nên ít có gói sản phẩm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa …
Trong khi đó, trên lý thuyết, các cơ quan nhà nước luôn kêu gọi, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì đây là lực lượng đông, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Thế nhưng, thực tế không đơn giản, từng doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn không biết kêu ai.
Đó là chưa kể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp còn khó khăn hơn vì không có sổ sách kế toán, tài sản để chứng minh với ngân hàng khi muốn vay vốn. Do vậy, việc cần có các giải pháp khác hiệu quả hơn là vấn đề cấp thiết để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có cả các cảnh báo cho doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng các báo cáo tài chính từ đầu để đủ cơ sở khi chứng minh vay vốn.
Qua đó cũng cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ. Trước hết là tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp là vấn đề cấp bách hiện nay.
Dự báo khó khăn
Mặc dù 6 tháng đầu năm nay, thanh khoản của các ngân hàng tốt, nguồn vốn được báo cáo là dồi dào; thế nhưng 2 tháng gần đây nguồn vốn khan hiếm, việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp càng khó hơn.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng gần đây tăng mạnh. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 8,5% so với cuối năm 2017, tương đương với phần tăng thêm là 527.000 tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu tăng trưởng cả năm. Thế nhưng, đến giờ nhiều ngân hàng đã cạn “room” tín dụng, gây khan hiếm vốn, khiến việc cho vay vốn sẽ bị siết chặt. Việc cung ứng vốn ra thị trường của các ngân hàng không còn ồ ạt như trước mà chỉ tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên và hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản.
Lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục tăng, lãi suất giao dịch qua đêm cao hơn 4,7%/năm. Các chuyên gia cho rằng, những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường huy động vốn từ dân cư. Rất nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn từ 0,1% - 0,3%, tùy từng kỳ hạn.
Thế nhưng, giới chuyên gia phân tích, Ngân hàng Nhà nước đang chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng nhằm thực giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Chỉ tính từ ngày 30-7 đến 24-8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng hơn 23.600 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở và tín phiếu. Do vậy, người dân có xu hướng rút VND để mua USD, dẫn đến lãi suất VND phải tăng để giữ chân khách hàng.
Chính vì thế, các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, có thể sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019. Điều này càng gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.