Tại buổi khảo sát, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm 97%-98% trong tổng số DN trên cả nước. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa dần đi vào cuộc sống và bước đầu có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều rào cản lớn ảnh hưởng đến việc phát triển của các DN, như việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà, chính sách ban hành chậm.
Theo quy định, quyền được thụ hưởng của các DN khá nhiều, nhưng chưa có phân công cụ thể về cơ quan nào đứng ra làm đầu mối để hỗ trợ các DN. Việc chi ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ rất phức tạp về thủ tục; DN phải chứng minh mình là DN nhỏ và vừa, phải chứng minh lĩnh vực hoạt động của mình có thuộc một trong các lĩnh vực được hỗ trợ. Đi kèm với đó là cơ chế “xin - cho” khiến DN khó tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận.
Từ đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện.
Theo đại diện các DN nhỏ và vừa, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đứng trên bờ vực phá sản, việc phục hồi sau dịch gặp vô cùng khó khăn.
Khi Nghị định 31/2022 về hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại có hiệu lực, các DN rất mừng, nhưng đến nay rất ít DN tiếp cận được với gói hỗ trợ lãi suất này. Nguyên do, có nhiều tiêu chí không rõ ràng, khó thực hiện như DN phải không có nợ xấu, không có nợ quá hạn, ngân hàng tự đánh giá khả năng phục hồi của DN… Các DN kiến nghị có hướng dẫn cụ thể để DN tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% và kéo dài thời gian hỗ trợ để DN phục hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch UBND quận 5, ở quận hiện có hơn 7.900 DN thì có đến hơn 7.800 DN nhỏ và vừa. Quận đã xây dựng và triển khai nhiều nội dung hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa vẫn gặp một số vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận chính sách về vốn.
Phó Chủ tịch UBND quận 10 cũng cho biết, vấn đề khó khăn nhất của các DN nhỏ và vừa là bị hạn chế về tài sản thế chấp hoặc không có tài sản thế chấp nên chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
UBND quận 10 kiến nghị ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất.