DN thành lập nhiều nhưng giải thể không ít
Mở đầu cuộc họp, bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, mục tiêu đến năm 2020, TP có ít nhất 500.000 DN hoạt động.
Trong đó, có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân tiếp tục duy trì đóng góp từ 60% - 62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên. Năng suất lao động tăng 6,5%. Hàng năm, có khoảng 30% - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tính cho đến nay, TP đang có khoảng 309.000 DN đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là DN siêu nhỏ chiếm 89,25% với 275.901 DN, DN nhỏ chiếm tỷ lệ 4,36% với 13.339 DN, DN vừa chiếm 5,03% với 15.546 DN và DN lớn chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 1,37% với 4.228 DN.
Doanh nghiệp sản xuất tại thành phố đang đầu tư mạnh để theo kịp xu thế phát triển. Ảnh: CAO THĂNG
Nhìn ở góc độ nội lực cũng như khả năng phát triển dài hơi của DN TP, TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, số lượng DN nhiều nhưng nội lực yếu.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, TP có hơn 18 ngàn DN thành lập mới nhưng số DN phá sản, giải thể cũng tương đương. Có đến 41% DN mới thành lập nhưng chưa hoạt động. Số DN dự định phát triển mới, mở rộng nhà xưởng chiếm tỷ lệ thấp, 27,72%. Điều này cho thấy, chất lượng DN mới thành lập còn rất hạn chế.
Không chỉ vậy, năng lực cung ứng của DN TP còn nhiều hạn chế. DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn rất e ngại đặt hàng DN nội vì lo ngại tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, số lượng và tiến độ giao hàng. Thậm chí, ngay cả với những DN lớn trong nước cũng ngại đặt hàng với các DN nội cung ứng với những lý do tương tự.
Do vậy, phần lớn DN trong nước rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu vốn - khó tiếp cận tín dụng - khó đầu tư cải tiến công nghệ - năng lực cạnh tranh - hiệu quả thấp, khó tích tụ vốn.
Ngoài ra, bà Hà Thị Thiệu Dao, Đại học Ngân hàng TP cho biết, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN trên địa bàn TP gần đây cho thấy, có đến 70,6% DN trả lời họ phải trả thêm các chi phí không chính thức, 64,21% DN bị nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính. 69,96% DN được hỏi cũng cho biết lãnh đạo thành phố có chủ trương chính sách tốt nhưng không được thực hiện ở cấp dưới.
Không đột phá cách làm, khó tạo sức bật cho DN
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết thêm, việc cải cách thủ tục hành chính hiện không hiệu quả do những quy định liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, thủ tục đã được luật hóa.
Tỉnh thành muốn sửa đổi, giảm phiền hà trong thủ tục hành chính cũng khó thực hiện vì vượt thẩm quyền địa phương và phải trình Chính phủ nên rất mất thời gian. Do vậy, nếu không có cách làm đột phá khác thì khó đạt hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.
Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, TP cần kiên trì kiến nghị Trung ương cho phép thực hiện cơ chế đặc thù. Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian thủ tục hành chính. Vấn đề quan trọng khác là khơi thông dòng vốn đầu tư cũng như cách tiếp cận nguồn vốn.
Hiện các DNVVN vẫn chưa tiếp cận thị trường vốn dài hạn mà chỉ tiếp cận thị trường vốn ngắn hạn nên chịu rất nhiều rủi ro, thậm chí phải tiếp cận nguồn vốn ngoài với lãi suất cao.
Ngoài ra, yếu tố hạ tầng giao thông cũng đang làm thành phố mất điểm khi thu hút đầu tư. Hiện cửa ngõ sân bay, cảng và giao thông trên đường phố của thành phố đều tắc mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, TP cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và hạ tầng phải kết nối thông suốt với các tỉnh thành lân cận.
Các chuyên gia cho rằng, TP phải có chế tài đủ mạnh để buộc các DN trích lại 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới khoa học và công nghệ (KH-CN).
Những DN quá nhỏ có thể đóng góp chi phí này vào quỹ phát triển KH-CN địa phương để tạo cơ sở tái đầu tư cho DN theo thứ tự ưu tiên. Song song đó, Quỹ phát triển KH-CN của TP nên mở rộng hơn hình thức hỗ trợ theo hướng hỗ trợ lãi suất vay cho DN theo lộ trình xây dựng và chuyển đổi công nghệ.
Thành phố cũng cần làm việc với tổ chức tín dụng để thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng cung ứng cho DNVVN thông qua phát triển ngân hàng bán lẻ. Còn về phía DN, để có thể hội nhập vào xu thế phát triển hiện nay, nhất thiết phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, với những DN có quy mô vừa và nhỏ, cần liên kết để tăng nội lực phát triển, giảm sức ép cạnh tranh với DN FDI vốn có nhiều lợi thế hơn về quy mô sản xuất, giá thành cạnh tranh và chiến lược phát triển dài hơi.
Một vấn đề khác, Chính phủ phải thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ các loại “giấy phép con”, minh bạch thông tin những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về phía các bộ ngành phải công bố cô khai điều kiện kinh doanh cho từng ngành nghề để làm cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra.
Các cơ quan chức năng phải hạn chế thanh tra, kiểm tra DN theo hướng chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để tránh nhũng nhiễu, từng bước gia tăng niềm tin của DN vào các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển.