Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên vào sáng 19-3, ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch JCCI tán thành chủ đề của diễn đàn là “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh” và cam kết hỗ trợ đầy đủ cho mục tiêu giảm phát thải carbon của Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2050.
Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á). Cùng với AZEC, khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh thông qua công nghệ giảm phát thải carbon, đầu tư và tài chính. Năm ngoái, JCCI đã thành lập nhóm công tác thúc đẩy chuyển đổi xanh/AZEC để thúc đẩy các dự án cụ thể trong lĩnh vực này và chia sẻ thực tiễn tốt nhất với các bộ liên quan.
Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng xanh, đại diện JCCI nêu khuyến nghị 3 điểm.
Thứ nhất, sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác.
Thứ hai, đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện 8.
Thứ ba, đảm bảo môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, toàn xã hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm về chi phí tái chế và việc xây dựng hướng dẫn thực hiện chi tiết về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
Báo cáo phân tích môi trường gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, theo tính toán của WB, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12 - 14,5% GDP vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế. Nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực này có thể vào khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hoặc tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, một nửa trong số đó sẽ đến từ khu vực tư nhân.