Doanh nghiệp Nhật Bản muốn xây dựng nhà ở xã hội tại TPHCM

Ngày 13-11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp Nhật Bản gồm Tổ chức Tài chính nhà ở (Japan Housing Finance - JHF), Tập đoàn SEKISUI HEIM, Công ty thành viên Thai SCG - Heim cùng với 19 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) của Việt Nam để bàn về việc hợp tác phát triển nhà ở giá thấp, nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Đại diện Thai SCG - Heim phát biểu tại cuộc họp
Đại diện Thai SCG - Heim phát biểu tại cuộc họp

Việt Nam đặt ra mục tiêu từ năm 2021-2030 cả nước sẽ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội theo Quyết định 338/2023 của Thủ tướng đã đề ra. Trong đó, TPHCM sẽ phát triển 69.700-93.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, TPHCM đang triển khai thi công 8 dự án với 6.396 căn hộ…

Đại diện HoREA cho hay, năm 2023 là năm khó khăn nhất của thị trường BĐS cả nước, riêng thị trường BĐS TPHCM tăng trưởng âm và “vùng đáy” của thị trường rơi vào quý 1-2023. Từ quý 2-2023 đến nay, tốc độ phục hồi chậm. Trong quý 2-2024, thị trường BĐS tăng trưởng 2,94%, thống kê 9 tháng đầu năm nay TPHCM có 1.051 doanh nghiệp BĐS đăng ký kinh doanh với tổng vốn 40.137 tỷ đồng và có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Nhằm phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi đã đề xuất nhiều chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư. Hiện nay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 50% và chúng tôi đang kiến nghị tiếp tục giảm hai loại thuế này tới 70% đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chính sách ưu đãi thứ hai là chính sách ưu đãi về tín dụng. Với chính sách này chúng tôi kiến nghị đưa về mức bằng với mức của năm 2023 là 4,8%/năm và ưu đãi đối với chủ đầu tư trong phạm vi 10-15 năm, đối với người mua nhà ở xã hội là 20 năm. Chính sách thứ ba là tiếp cận ưu đãi về đất đai, theo đó người làm dự án nhà ở xã hội không bị khống chế việc mua đất khác để làm nhà ở xã hội, miễn là nơi đó phù hợp quy hoạch”, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết.

Tại cuộc họp, Đại diện Thai SCG - Heim, ông Ryuji Saimon, chia sẻ rất muốn hợp tác với Việt Nam làm nhà vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Trước mắt, công ty của ông đang làm nhà lắp ghép. Tại Thái Lan, nhà máy đã sản xuất với kỹ thuật hiện đại, có thể xuất khẩu sang Việt Nam với căn nhà 80% lắp ghép và Việt Nam chỉ hoàn thiện 20% còn lại.

Đại diện Tổ chức Tài chính nhà ở Nhật Bản (Japan Housing Finance - JHF) cho biết, hàng năm giữa Bộ Phụ trách nhà ở xã hội ở Nhật Bản và Bộ Xây dựng của Việt Nam cũng có những hợp tác. Hiện giữa hai bộ chưa bàn luận nhiều về vấn đề phát triển nhà ở xã hội mà chủ yếu bàn về vấn đề cách quản lý BĐS. Nếu hợp tác phát triển phân khúc nhà ở xã hội thì Bộ Xây dựng nên có bằng văn bản gửi đến cơ quan ở Nhật Bản để hợp tác. Ông Lê Hoàng Châu cho biết sẽ có báo cáo và đề xuất Bộ Xây dựng làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng giao thông Nhật Bản về nguồn vốn ODA, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Tin cùng chuyên mục