Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm thông tin, trung bình môi trường thành phố tiếp nhận khoảng 9.000 tấn rác/ngày. Trong đó, có đến 75% trong tổng khối lượng rác thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít còn lại được tái chế thành phân compost và đốt, nên rất khó tránh khỏi những ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Do vậy, nhu cầu của thành phố về xử lý rác thành điện là rất cấp thiết.
Trước thực tế trên, ông Ken Kawai, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Mitsubishi, cho biết tập đoàn đang có chiến lược mở rộng đầu tư đa ngành tại thị trường Việt Nam. Riêng với TPHCM, trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và tập đoàn trong tháng 9 vừa qua, Mitsubishi đã bày tỏ mong muốn cùng tham gia với chính quyền thành phố đưa ra giải pháp hoàn thiện 3 vấn đề cụ thể: hạ tầng khu sân bay, hạ tầng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng đô thị.
Đối với hoạt động xử lý chất thải rắn, tập đoàn có ưu thế là đã đầu tư và đang vận hành 314 nhà máy xử lý rác tại nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Về công nghệ của tập đoàn cũng rất đa dạng, giúp chuyển hóa nhiều thành phần rác khác nhau thành nhiều dạng điện khác nhau.
Về hình thức đầu tư, tập đoàn mong muốn tham gia hình thức hợp tác công - tư (PPP). Theo đó, tập đoàn chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành nhà máy, xử lý rác và sản xuất ra điện. TPHCM sẽ trả chi phí xử lý rác theo đơn giá; đồng thời hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển rác đến nhà máy và đầu ra cho điện rác. Kinh nghiệm đầu tư xử lý rác của tập đoàn tại Singapore cho thấy, để đầu tư nhà máy xử lý khoảng 4.200 tấn rác/ngày, cần diện tích 5ha với tổng chi phí khoảng gần 500 triệu USD. Đơn giá xử lý khoảng 60 - 80USD/tấn rác và 0,1 - 0,2USD/kWh điện rác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định mô hình đầu tư xử lý rác của tập đoàn rất phù hợp với định hướng đầu tư của thành phố, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng kết nối với các chuyên gia của Mitsubishi để hỗ trợ tập đoàn tiếp cận tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được thành phố công bố.