Qua đợt sốt ảo giá gạo vừa qua, nhiều bài học quý giá đã được rút ra. Đó là vai trò cực kỳ quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực, xem xét lại hệ thống phân phối bán lẻ, vấn đề kho chứa lương thực cho khâu lưu thông…
Tuy nhiên, còn một vấn đề khác ít được mọi người chú ý nhưng cũng cần được mổ xẻ. Không chỉ đợt sốt gạo vừa rồi mà cả những đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm trước đó, khi UBND TPHCM cần có một hay nhiều doanh nghiệp (DN) dũng cảm đứng ra cùng với TP giải quyết vấn đề trong tình thế cấp bách thì lại nổi lên vai trò của những đơn vị tư nhân.
Cuối năm 2004 đầu năm 2005, khi dịch cúm gia cầm bộc phát mạnh lần thứ 2 trên cả nước, TPHCM chủ động phòng tránh bằng cách chủ trương mua hết lượng gia cầm (đến giai đoạn giết mổ nhưng chưa nhiễm bệnh) trong dân để tránh thiệt hại. Tất nhiên, UBND TP có chính sách ưu đãi cho DN về lãi suất và trợ giá trên mỗi ki lô gia cầm thu mua. Trong lĩnh vực này, TP có 2 tổng công ty lớn và mạnh đủ khả năng thu mua số gia cầm này để giết mổ và cấp đông, chờ hết dịch cúm đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhưng thật bất ngờ, 2 DN mạnh dạn gánh vác công việc cấp bách này lại là 2 DN tư nhân (Công ty TNHH Phú An Sinh và Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ). Lý do 2 đơn vị Nhà nước từ chối tham gia vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu hoặc không thể sẵn sàng vì chưa có đủ điểm giết mổ.
Cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi tết sắp đến, nhiều địa phương bị dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn heo hoành hành dữ dội, 2 xã của huyện Bình Chánh bị nhiễm bệnh, người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa. TPHCM đã đưa ra phương án giảm nhanh đàn heo trong dân nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con. Để thực hiện việc này, TP đề nghị các đơn vị tham gia mua, giết mổ và cấp đông số heo này, như cách làm trước đó với đàn gia cầm. Nhưng một lần nữa cũng chỉ thấy sự tiên phong của DN tư nhân là Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ.
Và mới đây, khi cơn sốt ảo giá gạo bất ngờ xảy ra từ ngày 26-4, trong cuộc họp đột xuất của Sở Thương mại TP ngày chủ nhật (27-4), TP cũng xác định cần có ngay lượng gạo cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị… nhằm giải quyết ngay nhu cầu gạo tăng đột biến, để ổn định tâm lý người dân. Dù sau đó hàng loạt công ty kinh doanh lương thực nhà nước tuyên bố ưu tiên cung cấp cho TPHCM hoặc cho TP mượn, nhưng đi đầu thời điểm nhạy cảm đó lại cũng là một đơn vị tư nhân. Tổng Giám đốc Công ty Vinh Phát Trần Ngọc Trung mạnh dạn tuyên bố sẵn sàng cho TP mượn 1.000 tấn gạo không lấy lời nhằm giảm áp lực cơn sốt gạo đang giai đoạn đỉnh điểm.
Vì sao trong lúc dầu sôi lửa bỏng, các DN Nhà nước –vốn được kỳ vọng sẽ là nhân tố quan trọng để bình ổn thị trường, lại luôn chậm chân hơn các DN tư nhân là câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng.
CÔNG PHIÊN