Nhóm nghiên cứu của CIEM khẳng định, khu vực DNNN dù được kỳ vọng cao với vai trò then chốt trong nền kinh tế, trở thành động lực tăng trưởng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, song hiện vẫn có vai trò khá mờ nhạt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Về mặt số lượng, DNNN có tỷ lệ hoạt động trong các ngành khoa học, công nghệ; chế biến, chế tạo; thông tin viễn thông khá thấp, trong khi nhiều DNNN đang kinh doanh ở các lĩnh vực lợi nhuận và rủi ro cao như bất động sản. DNNN đang thua xa so với khu vực tư nhân ở mức độ áp dụng số hóa tại doanh nghiệp. Trong 20 ngành, lĩnh vực, DNNN chỉ vượt trội hơn khu vực tư nhân ở 3 ngành là tài chính và ngân hàng; sản xuất phân phối điện khí ga và giải trí. Ngoại trừ một số DNNN quy mô lớn như Tập đoàn Viettel, Điện lực Việt Nam và các ngân hàng quốc doanh quy mô lớn hiện đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới của CN 4.0, nhìn chung các DNNN Việt Nam đều chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu của hành trình số hóa.
Sáu thách thức lớn nhất đối với DNNN trong hành trình số hóa bao gồm:
- Thứ nhất, khả năng số hóa, cá nhân hóa các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế.
- Thứ hai, DNNN chưa có cách tiếp cận hệ thống để biến dữ liệu thành giá trị. Tuy DNNN có thể thu thập nhiều dữ liệu nhưng chưa có cách tiếp cận một cách hệ thống để tận dụng dữ liệu nhằm đổi mới, cải thiện mô hình kinh doanh.
- Thứ ba, DNNN thiếu khả năng đặt giá linh hoạt do hạn chế năng lực phân tích khách hàng cộng thêm các rào cản quy định, ngăn cản tự do định giá.
- Thứ tư, các DNNN tỷ lệ sở hữu nhà nước cao tỏ ra thiếu trầm trọng các tài năng về công nghệ thông tin và bộ phận IT của các DNNN này ít khi đạt được mục tiêu kỳ vọng.
- Thứ năm, nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mới của CN 4.0 trong các doanh nghiệp còn ở mức rất hạn chế.
- Cuối cùng, mức độ hợp tác của DNNN với bên ngoài còn khá hạn chế, một phần xuất phát từ sự thiếu vắng các quy chế hợp tác, khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như quản trị rủi ro đối với các mối nguy trên mạng.
Đáng lưu ý, quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu và ngành nghề có tác động đến mức độ vận hành số hóa của DNNN. Các doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần nhà nước dưới 50%, doanh nghiệp quy mô lớn hoặc thuộc các ngành có tính cạnh tranh cao tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, chế biến chế tạo có xu hướng có điểm vận hành số hóa cao hơn mức trung bình.
Các ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định, DNNN đang đứng trước cơ hội lớn để cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh nếu thực hiện đầu tư tăng cường khả năng vận hành số hóa. Trung bình cứ tăng 1% lao động sử dụng internet sẽ thúc đẩy tăng 0,82% tăng doanh thu và khi tăng 1% lao động sử dụng PC sẽ thúc đẩy tăng 0,87% doanh thu.
Tuy nhiên, cải thiện khả năng vận hành số hóa bằng cách tăng cường sử dụng máy tính và internet là hướng đi tốt nhưng chưa đủ. Cải thiện khả năng vận hành số hóa chỉ có tác dụng lớn với các DNNN thuộc các ngành nông nghiệp, chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ. Trong khi đó, tác động lên doanh thu của DNNN các ngành thông tin viễn thông, tài chính ngân hàng và khoa học công nghệ là không lớn.
Theo các nghiên cứu viên CIEM, việc triển khai cụ thể hóa nhiệm vụ giải pháp “Có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chìa khoá cho vấn đề này.
“Cần có chiến lược công nghiệp 4.0, trong đó có nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách cụ thể đối với khu vực DNNN trong CM4.0. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cần kiến nghị việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp nhà nước, ban hành các quy chế, hướng dẫn theo hướng tạo động lực và sự linh hoạt trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực công nghệ mới; áp dụng các thực tiễn tốt nhất của khu vực doanh nghiệp tư nhân về quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM bình luận.
Trong các lĩnh vực cụ thể, DNNN được coi là có thể nắm giữ các vai trò quan trọng trong các ngành hỗ trợ cho quá trình đổi mới, sáng tạo như phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, phát triển bao trùm, tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho nhóm yếu thế, nữ giới, người khuyết tật… Tuy nhiên, trong các ngành, công nghệ trọng điểm của CN 4.0, DNNN sẽ không nhất thiết phải đóng vai trò dẫn dắt, mà nên để cho khu vực kinh tế tư nhân năng động và chấp nhận rủi ro cao hơn đảm nhận.
CN 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Trong kịch bản lạc quan nhất, CN 4.0 có thể làm gia tăng GDP tới 28,5 - 63 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng với mức tăng thêm từ 7-16% GDP so với kịch bản hoàn toàn không áp dụng CN 4.0.