Lên “dây cót” tinh thần cho nhân viên
Vài ngày nay, những lá thư động viên, kêu gọi người lao động chung tay vượt qua khó khăn xuất hiện nhiều hơn ở nhiều DN. Thư của lãnh đạo Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) gửi nhân viên, nhấn mạnh: “Trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh mang tính bất khả kháng, lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo các đơn vị thành viên sẽ luôn chung tay sát cánh cùng tất cả cán bộ công nhân viên - người lao động”. Còn Tổng giám đốc Bến Thành Tourist động viên nhân viên: “Chúng ta sẽ không than khóc, phải nén những cảm xúc tiêu cực lại, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, minh mẫn để sẵn sàng hành động, đối phó với dịch bệnh... Ngay lúc này đây, Ban tổng giám đốc đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ, để đảm bảo nguồn thu nhập cho nhân viên, cũng như gìn giữ gia đình Bến Thành Tourist được toàn vẹn”.
Một số đơn vị, lãnh đạo công ty đã chủ động cắt giảm lương để cùng DN vượt khó, trước khi tính đến phương án giảm lương, giảm thu nhập của nhân viên; tranh thủ thời gian rảnh đào tạo nhân viên sẵn sàng làm việc ngay khi dịch bệnh kết thúc. Cũng có đơn vị tìm thêm công việc mới hỗ trợ nhân viên mưu sinh. Lãnh đạo một công ty lữ hành chia sẻ, hiện tại toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên đều có chung mức lương như nhau để hỗ trợ người lao động, tạm duy trì hoạt động DN. Một số DN còn phối hợp với các đối tác bảo hiểm giúp nhân viên làm thêm, bán kèm bảo hiểm với các sản phẩm du lịch để có thêm thu nhập…
Ông Nguyễn Ngọc Toản Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên thị trường khách châu Âu), cho biết: “Văn phòng có khoảng 30 nhân viên, tính cả đội ngũ hướng dẫn viên lên tới vài trăm người. Công ty tạm thời giữ lương cho nhân viên văn phòng đến hết tháng 4, sau đó tùy vào tình hình dịch bệnh mới tính tiếp. Tranh thủ thời gian rảnh, các nhân viên đã lên kế hoạch sản phẩm mới cho năm 2021. Với các anh chị cộng tác viên, nhiều người đã đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp”.
Tại một DN du lịch khác, có hơn 100 nhân viên đăng ký làm việc không lương từ tháng 4-2020; còn đội ngũ lãnh đạo cũng đồng loạt chủ động nhận lương cơ bản, có người làm việc không lương, với mục đích cùng nhau chung tay giúp DN vượt qua khó khăn.
Giảm giá mặt bằng, tiền thuê nhà
Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) - một trong những con đường được ví là “thiên đường ẩm thực” sầm uất nhất TPHCM - hiện khá vắng vẻ. Nhiều mặt bằng vốn đông nghẹt khách qua lại, ăn uống trước đây nay treo bảng hiệu cho thuê hoặc trả mặt bằng. Tương tự, tình trạng đìu hiu cũng diễn ra tại trung tâm quận 1, quận 10, quận Tân Phú, quận Gò Vấp…
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, vẫn có những “điểm sáng” ấm lòng, như một số chủ nhà ở TPHCM đã chủ động giảm giá tiền hỗ trợ người thuê. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Phước kinh doanh điện thoại di động (đường Ba Tháng Hai, quận 10) là một ví dụ, khi may mắn được chủ nhà giảm 70% giá thuê cho đến khi dịch Covid-19 kết thúc. Với chị Lê Thị Mai, chủ nhà trọ ở quận Tân Bình, việc giảm 50% giá thuê (tương đương 1 - 2 triệu đồng/phòng) lúc này sẽ bớt phần nào gánh nặng cho khách, đồng thời cũng là cách tri ân những người khách xa quê đã gắn bó cùng chị Mai suốt thời gian qua.
“Nhẩm tính mỗi tháng mình thất thu hơn 20 triệu đồng. Nhưng nhìn lại lúc khó khăn thế này, người thuê cũng chật vật lắm, làm gì ra tiền. Thôi thì chia sẻ với nhau được chút nào hay chút đó”, chị Mai tâm sự.
Với người kinh doanh, nhiều trường hợp đã được giảm giá thuê mặt bằng nhưng vẫn phải đóng cửa do vắng khách. Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một quán ăn trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), chia sẻ: “Tôi đã đóng cửa quán hơn một tháng nay dù tiền mặt bằng đã được giảm 50%, do lượng khách đến ăn uống giảm mạnh. Gồng gánh hơn 3 tháng qua, tôi đã lỗ vài trăm triệu đồng, nên chấp nhận trả mặt bằng, đóng cửa chờ qua dịch Covid-19 rồi tính tiếp”.