Nguyên nhân là do doanh thu lợi nhuận trong những năm lại đây liên tục tăng nhanh. Trước bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn với DN ngoại, nhiều DN nội vốn chỉ tập trung thị trường xuất khẩu cũng đang có kế hoạch quay lại đầu tư thị trường nội địa.
DN ngoại không ngừng mở rộng quy mô
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của SCG, cho biết SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và từng bước mở rộng đầu tư vào các DN trong ngành vật liệu xây dựng, xi măng, hóa chất và bao bì. Hiện nay, tại Việt Nam, SCG có 20 công ty đang hoạt động với hơn 8.300 nhân viên. Theo báo cáo quý 2-2018, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản lên đến 36.502 tỷ đồng (1.591 triệu USD). Doanh thu bán hàng nửa đầu năm 2018 tại thị trường Việt Nam của SCG đạt 14.534 tỷ đồng (639 triệu USD), tăng 20% so với cùng kỳ.
Ở phân khúc chế biến thực phẩm, DN Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không ngừng gia tăng số lượng và quy mô DN. Trong đó phải kể đến Tập đoàn CJ (Hàn Quốc). Tập đoàn này đã gia tăng sự có mặt tại thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực (thực phẩm, giải trí, thương mại điện tử…) qua các thương hiệu quen thuộc với người Việt như Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping… Hay như Tập đoàn Lote cũng không ngừng làm mới và phát triển mình thông qua việc tăng số lượng siêu thị, kéo theo là số lượng hàng hóa của Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường Việt.
Với DN Nhật, tuy những bước xâm nhập vào thị trường có vẻ trầm lắng hơn DN Hàn Quốc, nhưng xét về số lượng và mức độ phổ quát rộng trên thị trường thì cũng không kém hơn. Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TPHCM cũng khẳng định, lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam mà DN Nhật quan tâm là những ngành hàng tiêu dùng nhanh, chế biến lương thực, thực phẩm. Số khác tập trung vào đầu tư xây dựng, bất động sản và hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.599 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc.
DN nội liên kết giữ thị phần
Nhiều DN ngoại đã bày tỏ tham vọng tăng quy mô đầu tư và phát triển sâu tại thị trường Việt Nam. Đại diện SCG cũng khẳng định, tập đoàn này đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100% vào tháng 6 vừa qua. Hiện tập đoàn đang đầu tư thêm 3,2 tỷ USD từ nguồn vốn vay vào dự án Hóa dầu Long Sơn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án này, dự kiến vào quý 1-2023. Và tham vọng của SCG là sẽ đáp ứng toàn bộ nguyên liệu nhựa cho hoạt động sản xuất ngành nhựa tại Việt Nam.
Riêng với Tập đoàn CJ, sau hàng loạt hoạt động mua bán và sáp nhập như mua 3,8% vốn Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, mua 80% cổ phần rạp chiếu phim Megastar và đổi tên thành CJ CGV, mua 64,9% vốn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt (công ty về sản phẩm dạng viên như bò viên, cá viên) và nâng tỷ lệ sở hữu vốn lên 71% tại Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, CJ vẫn tiếp tục lấn sâu vào thị trường Việt Nam khi các đơn vị thành viên có động thái gom vốn ở nhiều lĩnh vực khác.
Gần đây nhất, CJ gom 15% vốn còn lại của Công ty Gemadept Tower và cùng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín thành lập Công ty TNHH Thương Tín - CJ Cầu Tre đầu tư tại TPHCM. Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định, trong số 4.630 DN Nhật Bản được khảo sát, có đến 70% trả lời sẽ đầu tư mở rộng tại Việt Nam vì có đến gần 70% DN đầu tư kinh doanh có lãi tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, cùng với xu hướng đổ bộ đầu tư mạnh của các DN ngoại, DN nội chịu thêm sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các DN vốn thuần xuất khẩu quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nhiều DN trong nước thay vì tập trung xuất khẩu hàng thực phẩm đông lạnh thì đã khai thác thêm nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, hình thức và chủng loại sản phẩm có sự thay đổi để phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Cụ thể, thay vì chỉ tập trung sản xuất cá basa phi lê đông lạnh thì nhiều DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất sơ chế sản phẩm thành những thực phẩm khác nhau, có tính tiện dụng hơn cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, khẳng định DN Việt, nhất là DN sản xuất lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh, tuy có quy mô sản xuất không lớn nhưng lợi thế về thị trường nội địa không phải là không có.
Lợi thế của DN Việt là nắm vững thị hiếu, khẩu vị tiêu dùng của người Việt. Rất nhiều DN Việt như Vissan, Saigon Food, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Sơn Hà, Vinamilk, TH True milk… vẫn đang có vị trí khá vững chắc tại thị trường nội địa trong nhiều năm qua. Vấn đề quan trọng là các DN Việt cần phải sớm liên kết thương hiệu hoặc hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa khép kín để hỗ trợ nhau trong phát triển thị phần.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2035, nền kinh tế Việt Nam với quy mô 200 tỷ USD hiện nay sẽ đạt khoảng gần 1.000 tỷ USD và trên nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Không dừng lại đó, Việt Nam vốn có lợi thế rất lớn về chế biến nông sản sạch, nhưng nội lực phát triển còn hạn chế. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao của người dân Việt Nam đang rất lớn. Điều này sẽ tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường Việt Nam. |