Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ngày càng tăng khiến việc giao thương của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga trở nên khó khăn, bao gồm cả những công ty vận chuyển. Nhưng điều này lại tạo cơ hội cho UAE - quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Nga. Trước khi nổ ra căng thẳng ở Ukraine, UAE đã thu hút không ít giới nhà giàu Nga. Giờ đây, các doanh nghiệp nhà nước và các công ty hàng hóa tư nhân cũng đang theo xu hướng chuyển sang Dubai để tránh lệnh trừng phạt.
Quá trình dịch chuyển này cũng gia tăng khả năng cạnh tranh đối với Thụy Sĩ - trung tâm kinh doanh hàng hóa toàn cầu từ trước đến nay. Dù tuyên bố trung lập và không cho phép chuyển vũ khí đến khu vực xung đột, nhưng Thụy Sĩ đã theo sát Liên minh châu Âu trong việc áp đặt các hạn chế ngày càng nghiêm ngặt đối với một số mặt hàng, ngân hàng và cá nhân “thân cận” với Điện Kremlin.
Theo giới chuyên gia, nếu tất cả biện pháp trừng phạt này được áp đặt, điều đó có thể khiến giao dịch dầu mỏ với Nga trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, lệnh cấm hoàn toàn của Thụy Sĩ áp dụng cho hoạt động môi giới, bán hàng và cung cấp dịch vụ tài chính đối với than của Nga, được công bố hồi tháng 4, cũng góp phần khiến một số doanh nghiệp chuyển đi nơi khác.
Trước diễn biến không thuận lợi từ Thụy Sĩ, các giám đốc điều hành của Công ty sản xuất dầu quốc doanh Rosneft của Nga đã đến Dubai để tìm ý tưởng về liên doanh kinh doanh. Trong khi đó, Gazprom, nhà sản xuất dầu lớn của Nga, cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện tại đây.
Litasco, chi nhánh bán hàng và thương mại của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga, chuẩn bị chuyển một số nhân viên kinh doanh và hoạt động từ Geneva đến Dubai, với dự định biến nơi này thành trung tâm mới của công ty. Lukoil hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của Nga.
Một công ty nổi tiếng khác ở Geneva là Solaris Commodities, nhà kinh doanh ngũ cốc Nga, đã mở văn phòng ở Dubai vào giữa tháng 6. Mặc dù các lệnh trừng phạt không nhắm đến sản phẩm nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp này đã gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính do các ngân hàng Thụy Sĩ “né” các mặt hàng Nga.
Thuận lợi của UAE không chỉ nằm ở chính sách đầu tư thông thoáng, mà còn nằm ở việc phát triển nhiều cơ sở hạ tầng tài chính. Trong những năm gần đây, các ngân hàng của các tiểu vương quốc này cũng phát triển nhanh chóng và trở thành trụ cột chính trong tài trợ thương mại hàng hóa. Trong đó, Dubai là điểm đến hấp dẫn nhất do có rất nhiều khu thương mại tự do, vị trí gần các nhà sản xuất năng lượng Trung Đông và mức thuế thấp hấp dẫn, kết nối các trung tâm toàn cầu như Singapore, London, Geneva và Stamford.
Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu của Viện Nghiên cứu B’huth có trụ sở tại Geneva, ông Najla Al Qassimi, nhận định: “Dubai đã xuất hiện như một trung tâm hàng hóa toàn cầu thực sự. Dubai cũng sở hữu các cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông và dịch vụ phù hợp để hỗ trợ các công ty này”.
Vào năm ngoái, Trung tâm Đa hàng hóa Dubai đã tổ chức một sự kiện với Phòng Thương mại Moscow nhằm thu hút các doanh nghiệp Nga thành lập công ty tại đây.