Doanh nghiệp muốn tăng năng suất nhưng khó tuyển lao động phổ thông

Ngày 23-7, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” do Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao TP Đà Nẵng tổ chức, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận về khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Hội nghị đối thoại giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Hội nghị đối thoại giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Có sự chuyển dịch lao động

Ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VAFI (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, việc tuyển dụng và “giữ chân” người lao động là vấn đề nan giải mà nhiều doanh nghiệp đang đối diện. Một lượng lớn người lao động nghỉ việc vì nhiều lý do. Qua kiểm tra, đơn vị nhận thấy đa phần ghi lý do về quê, không liên quan phúc lợi của đơn vị. Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng cần có những khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiệu quả.

z5659518353138_96e03ab3472e9f3b2c9f4b604601b169.jpg
Ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng, các doanh nghiệp đều thiếu nhân sự về lao động phổ thông. Mới đây, Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng cần tuyển 300 lao động phổ thông khi tăng năng suất lên 30% nhưng trong 6 tháng vừa qua vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trước đó, đơn vị cũng đã tuyển dụng được 200 nhân sự nhưng đến nay chỉ còn vài chục người. Khi đề cập lý do, ông Phu nêu thực tế có sự chuyển dịch lao động ngoại tỉnh do các khu công nghiệp các tỉnh lân cận cũng đang cần nhân sự. Trong khi đó, cơ cấu lao động trong công ty có 30% lao động người Đà Nẵng và 70% lao động ngoại tỉnh. Ngoài ra, ông đề cập tình trạng người lao động chờ bảo hiểm thất nghiệp rồi mới đi làm lại.

Trước tình trạng trên, ông Phu đề xuất, cần tăng cường chuyển đổi số, hỗ trợ chi phí xăng xe đối với việc tuyển dụng lao động ở xa; tạo những phúc lợi rõ ràng để khuyến khích người lao động giới thiệu người nhà, đồng nghiệp, bạn bè vào làm việc trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, ông nghĩ TP Đà Nẵng nên có chính sách kêu gọi các trường học (trường nghề, cao đẳng, đại học...) phối hợp cùng doanh nghiệp để cung cấp lao động thời vụ vừa học vừa làm, để giải quyết bài toán về lao động đồng thời giúp các em sinh viên có thêm thu nhập cũng như có thêm trải nghiệm về công việc để giúp ích sau khi ra trường.

Tăng chế độ phúc lợi xã hội

Theo ông Trương Ngọc Hùng, Phó Phòng Chính sách việc làm, Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng, lực lượng lao động trên địa bàn Đà Nẵng (từ 15 tuổi trở lên) đang làm việc khoảng hơn 633.000 người. Trung bình mỗi năm có 30.000-35.000 người bước vào độ tuổi lao động và có khoảng 15.000-20.000 học sinh, sinh viên và các đối tượng lao động đào tạo nghề ra trường. Đây là số lượng lao động dồi dào, phục vụ cho việc sử dụng lao động cho doanh nghiệp.

z5660222343066_f34e84dc6ac7ce9022d104a37712c3a6.jpg
Ông Trương Ngọc Hùng, Phó Phòng Chính sách việc làm, Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng giải đáp vấn đề. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở rất nhiều. Tỷ lệ người lao động nộp trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm giảm 17% so với cùng kỳ.

Mặc dù số lượng lao động tuyển dụng nhiều, nguồn lao động dồi dào, song tỷ lệ người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm rất ít, chỉ khoảng 15%. Điều này thể hiện sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động.

Nguyên nhân chủ yếu do người lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, tác phong lao động. Thực tế, nhiều lao động có xu hướng chuyển dịch từ lao động chính thức tại các doanh nghiệp sang tự do. Một vấn đề khác là yếu tố tiền lương bình quân của doanh nghiệp thấp, không đáp ứng hay thu hút lao động.

Sở LĐ-TBXH đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng nhiều chính sách phát triển thị trường lao động; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động vào thứ 6 hàng tuần tại 3 địa điểm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động tại các địa phương, trường học tuyển dụng sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp.

z5626387128433_ffdb005f52100da79b1465e163404414.jpg
Sinh viên, người lao động tham gia ngày hội tuyển dụng việc làm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cũng cần tính toán linh hoạt cơ cấu tuyển dụng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động; nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động như tiền tăng lương, tiền tăng ca, nuôi con nhỏ… xây dựng môi trường làm việc an toàn tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa sử dụng lao động để sử dụng lao động hợp lý.

Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, địa phương coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các Khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tỷ trọng xuất nhập khẩu và thu nộp ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp nêu ra nhiều vướng mắc liên quan đến 10 nhóm vấn đề gồm: đất đai, thuê đất, thuê lại đất; đầu tư; lao động và chính sách lao động; xây dựng – cơ sở hạ tầng; môi trường; an ninh trật tự, an toàn khu công nghiệp, phòng cháy chữa cháy; thủ tục hành chính; hải quan; thuế và các vấn đề liên quan khác.

Tin cùng chuyên mục