Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN và đại diện các địa phương trong vùng, các sở - ngành liên quan, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và ngành ngân hàng.
Kiểm soát kỹ tín dụng đổ vào bất động sản
Báo cáo về tín dụng tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tính đến ngày 27-4, huy động vốn của các TCTD khá tốt, đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng (tiền gửi cao hơn tiền cho vay), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng. Tín dụng toàn nền kinh tế trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh TCTD, phòng giao dịch, Quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý 1-2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 ngoái.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Tiếp đó là kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS. Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số DN trong hệ sinh thái hoặc DN “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn. Kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các DN, dự án BĐS trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án.
Đến ngày 31-3-2023, dư nợ tín dụng BĐS đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, (chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%); trong đó, dư nợ BĐS khu vực Đông Nam Bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng BĐS.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG. |
Gần 50% DN sản xuất cầm chừng, không muốn vay vốn
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi nêu ra những tồn tại của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, số DN thành lập mới là 14.752 với số vốn đăng ký là 144.568 tỷ đồng, giảm 9,59% về số lượng và giảm 24,79% về vốn đăng ký so với 2022. Số DN tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ, số vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố giảm 23,45% so với cùng kỳ. Những con số này thể hiện tình hình sức khỏe của DN.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nêu ra các vấn đề thực tế mà các DN trên địa bàn TPHCM đang gặp phải. Đó là, gần 50% số DN sản xuất cầm chừng, gần như không có nhu cầu tín dụng. Một bộ phận DN có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn và tạo tính thanh khoản. Các DN phản ảnh, đối với các khoản vay đến hạn kế hoạch thanh toán gặp khó khăn. DN ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi đã ban hành, một mặt do nhu cầu tín dụng thấp, một mặt là ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng. Ðối với BÐS, người mua ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi.
Về giải pháp, đồng chí Phan Văn Mãi đưa ra 5 kiến nghị đối với ngành ngân hàng.
Thứ nhất, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; định hướng mạnh mẽ hơn nữa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, phát huy được nguồn vốn.
Thứ 2 là thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN; hiện nay dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng đang ở mức bình quân 10%/năm, thực tế DN kiến nghị giảm xuống mức 7-8%.
Thứ 3 là về tín dụng, cần có giải pháp linh hoạt về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động; tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách để hỗ trợ DN trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay mới. Các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp (vấn đề định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân, tài sản…) nhằm mở rộng áp dụng cho vay tín chấp đối với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng rõ ràng. Ngành ngân hàng tiếp tục phát triển các chính sách, đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng đối với đối tượng sinh viên, công nhân, các đối tượng yếu thế, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu tín dụng đen.
Thứ tư là ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, hỗ trợ các thị trường phục hồi hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường BĐS để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023.
Thứ 5, ngành ngân hàng kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và đồng hành trong các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận, phục hồi lại thị trường và mở rộng thị trường mới.