Lòng vòng kiến nghị
Đến trụ sở Công ty TNHH TM Hòa Thuận (chuyên xuất khẩu cao su, quận 1, TPHCM) những ngày đầu tháng 7, chúng tôi thấy không còn nhân viên nào. Trao đổi qua điện thoại, bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giám đốc công ty, cho biết, công ty đề xuất hoàn thuế 50 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn nên gần một năm nay phải ngưng xuất khẩu do cạn vốn. Bà Thanh Tâm than thở: “Càng giam tiền hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ càng sớm phá sản!”.
Ngày 23-6 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản trả lời Cục Thuế TPHCM về việc hướng dẫn hoàn thuế cho Công ty TNHH TM Hòa Thuận liên quan các chứng từ thanh toán tiền để giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty TNHH TM Hòa Thuận, với hướng dẫn này của Tổng cục Thuế đã gỡ được một vướng mắc trong hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp, đó là chứng từ thanh toán tiền (giấy báo có); còn khó khăn vướng mắc về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu vẫn chưa được tháo gỡ.
Nhiều công ty xuất khẩu cao su gặp khó khăn do chưa được hoàn thuế |
Qua ghi nhận, hiện có hàng loạt doanh nghiệp mòn mỏi chờ hoàn thuế GTGT như Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (quận 10, TPHCM) đang chờ được hoàn gần 40 tỷ đồng tiền thuế; Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Xuân (quận 1, TPHCM) chờ được hoàn 58 tỷ đồng...
Mới đây, Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế TPHCM liên quan đến hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp cao su. Theo Tổng cục Thuế, ngày 26-5, cơ quan này đã ban hành công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế. Với các hồ sơ đang có vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp thì phải tổ chức đối thoại ngay để làm rõ. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế TPHCM báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT từ năm 2022 đến nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch của thương hiệu LiOA, cho biết, tính từ tháng 2 đến hết tháng 6-2023, tổng số tiền thuế VAT của doanh nghiệp cần được hoàn đã lên đến gần 200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Công ty LiOA tại Đồng Nai là trên 142 tỷ đồng (Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã hoàn 10 tỷ đồng). Thương hiệu LiOA tồn tại trên thị trường 36 năm, xuất khẩu trên 50 quốc gia các sản phẩm ổn áp, ổ điện, dây và cáp điện, dây và cáp đồng. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt trung bình 14 triệu USD/tháng. Việc chậm hoàn thuế đã khiến doanh nghiệp điêu đứng do không đủ dòng tiền quay vòng; sản xuất gần như đình trệ; uy tín với bạn hàng quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cần thay đổi chính sách
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế GTGT; còn phía cơ quan nhà nước vẫn chưa có hướng mới để tháo gỡ các khâu kiểm tra, xác minh hoàn thuế. Đối với dăm gỗ, viên nén làm từ gỗ do mua qua nhiều thương lái nên rất khó truy xuất nguồn gốc.
Còn ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng (chuyên xuất khẩu ván dăm, viên nén, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, cây gỗ khi bán đến doanh nghiệp xuất khẩu đã qua nhiều thương lái. Với cách làm của ngành thuế hiện nay, nếu như không tìm được một trong những thương lái thì công ty sẽ không được hoàn thuế. Trong khi việc mua bán qua nhiều thương lái, nhiều tỉnh thành, nếu kiểm tra từng công ty, từng thương lái thì không biết đến bao giờ các công ty mới được hoàn thuế. “Ước tính doanh nghiệp dăm gỗ có khoảng 6.000 tỷ đồng tiền thuế chưa được hoàn”, ông Thông cho biết.
Với các công ty ngành cao su - nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TPHCM, cho biết, hội có khoảng 100 doanh nghiệp chưa được hoàn thuế, với số tiền ít nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất khoảng 300 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, đang đối thoại với một số doanh nghiệp xuất khẩu cao su có vướng mắc về hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, đến nay mới dừng ở việc ghi nhận ý kiến để kiến nghị lên Tổng cục Thuế và chưa hoàn thuế được cho trường hợp nào.
* PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học viện Tài chính: Quy định rõ thời gian hoàn thuế
Theo luật định, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc cho doanh nghiệp. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, từ đó các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại. Việc này là cần thiết. Tuy nhiên, luật cũng đã nêu rõ thời gian kiểm tra tối đa, nếu trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian này thì nhiều nhất là 15-20 ngày chứ không thể kéo cả năm. Việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu. Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại nếu phát hiện việc gian lận thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những doanh nghiệp chấp hành tốt phải thiệt hại. Tổng cục Thuế cần sớm giải quyết, nếu không thì Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp.