Trong đó, khái niệm “Doanh nghiệp nhà nước”; phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp; việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là các nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp. Bên cạnh đó, việc xây dựng luật riêng cho hộ kinh doanh hay đưa vào nội dung luật này cũng là một vấn đề được các thành viên UBTVQH dành thời gian thảo luận.
Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua.
Loại ý kiến thứ 2 là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ 2.
Vẫn theo ông Vũ Hồng Thanh, về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về DNNN và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tuy nhiên, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần. Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là DNNN là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về nội dung này, để bảo đảm đánh giá đầy đủ các tác động đối với doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.