Khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp: lợi, người lao động: thiệt

Từ ngày 1-1-2007, thực thi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người có thu nhập cao đến đâu cũng chỉ được tham gia đóng BHXH trên mức lương tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung (tương đương 9 triệu đồng/tháng). Quy định mới-hạn chế khả năng đóng góp và quyền thụ hưởng các chế độ BHXH của người có thu nhập cao.

  • Luật “chỗ thắt, chỗ mở”: Ai có lợi?

Theo quy định hiện hành sắp hết hiệu lực vào cuối năm nay, người lao động được trích đóng BHXH trên thu nhập thực lãnh. Vì thế thời gian qua, nhiều lao động từng giữ những vị trí quản trị cao cấp ở khu vực liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài khi về hưu được lãnh khoản lương hưu rất cao (trên dưới 10 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều trường hợp đến 15-20 triệu đồng/tháng).

Ở TPHCM hiện có hàng ngàn lao động ở các vị trí quản lý từ trung đến cao cấp có mức lương bình quân khá cao - trên 1.000 USD/tháng, trong đó không ít người có mức lương từ 2.000 USD/tháng trở lên. Vì thế nghe thông tin mức đóng BHXH sẽ bị khống chế ở mức trần là 9 triệu đồng/tháng, nhiều người tỏ ra lo lắng.

Giám đốc nhân sự một công ty liên doanh nước giải khát nói: “Với quy định mới này quyền lợi của chúng tôi bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là chế độ lương hưu. Bởi lẽ nếu đủ điều kiện hưởng hưu trí thì người có thu nhập cao trên dưới 2.000 USD/tháng cũng chỉ được hưởng lương hưu tối đa không quá 7 triệu đồng/tháng”.

Theo BHXH TP, hiện toàn TPHCM có trên 6.000 người tham gia đóng BHXH với mức lương thực tế rất cao. Nếu khống chế mức đóng 9 triệu đồng/tháng thì nguồn thu của BHXH TP sẽ giảm ít nhất 173 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường nhân sự cao cấp phát triển mạnh hơn, đội ngũ lao động có lương cao từ vài ngàn USD/tháng sẽ tăng vọt theo cấp số nhân.

Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều giám đốc nhân sự ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh trên địa bàn TP đều bức xúc trước quy định mới của Luật BHXH. Bởi lẽ, thời gian qua nhiều công ty đã tuân thủ nghiêm túc pháp luật lao động của VN. Họ coi việc đóng BHXH đầy đủ cho người lao động trên thu nhập thực tế là một trong những yếu tố cạnh tranh, thu hút lao động có chất xám, trình độ quản lý. Nay chính sách BHXH thay đổi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động bằng cách nào?

Điều khiến các nhà quản lý về lao động băn khoăn là quy định của pháp luật về lao động đang mâu thuẫn lẫn nhau. Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động bằng 15% tổng quỹ tiền lương, còn người lao động đóng 5% tiền lương. Vậy việc khống chế mức đóng BHXH sẽ mang lợi cho ai ngoài doanh nghiệp (DN)? Họ hưởng lợi từ phần tiền đóng BHXH vượt trần được giữ lại một cách hợp pháp?

Một nghịch lý khác là lâu nay chúng ta luôn chỉ trích các DN cố tình né tránh đóng BHXH theo mức lương thực tế để cắt xén quyền lợi của người lao động thì nay lại nới lỏng quy định đóng BHXH. Như vậy, sự bình đẳng về nghĩa vụ giữa các DN ở đâu khi mà có DN tham gia đóng BHXH ít và có DN phải đóng cao hơn nhiều lần?

  • Sẽ mở bảo hiểm hưu trí bổ sung?

Qua trao đổi các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH, chúng tôi nhận thấy sự “khập khễnh”, vướng mắc trong triển khai quy định mới về tham gia BHXH. Mục đích của chính sách an sinh xã hội là san sẻ rủi ro và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng lương hưu. Trong xu thế hội nhập thế giới, quỹ BHXH rất cần tăng trưởng nhanh để có thể cải thiện, nâng dần mức sống của người về hưu. Vì thế, việc khống chế mức đóng sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng của quỹ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB-XH) lý giải thêm: “Trên thế giới, các nước đều quy định mức trần đóng BHXH cao nhất nhằm đảm bảo sự công bằng, giảm sự cách biệt giữa những người hưởng lương hưu. Hiện Luật BHXH khống chế mức tham gia đóng BHXH của người lao động dựa trên mức lương (tối đa không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung) là tính đến lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu chung giữa các khu vực kinh tế trong thời gian tới. Lúc đó mức lương tối thiểu chung sẽ ngang bằng mức lương tối thiểu hiện nay ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 710.000-870.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất sẽ tăng hơn hiện nay.

Trước mắt luật đã ban hành thì phải thực thi. Song để đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người có thu nhập cao, nhà nước cần thiết kế chính sách và có thêm quy định phù hợp nhằm như khuyến khích DN tham gia đóng BHXH thương mại, mở bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động.Với hình thức BHXH bổ sung này, người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải trích đóng đầy đủ 15% tổng quỹ lương và 5% tiền lương. Đây chính là nguồn phúc lợi để các DN cạnh tranh thu hút và giữ chân người lao động.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục