Doanh nghiệp lo thiếu đơn hàng

Việc kiểm soát được dịch Covid 19 đã tạo thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất. Đến nay, cả nước có hơn 17.800 DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cùng với việc trở lại sản xuất, nhiều DN đứng trước nguy cơ tái dừng do đứt đơn hàng xuất khẩu. 

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính trong tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng loạt ngành hàng chủ lực giảm mạnh so với tháng trước đó. Cụ thể, kim ngạch nhóm hàng hóa máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 1,65 tỷ USD, giảm 16% so với tháng trước. Nhóm hàng nông sản đạt 1,41 tỷ USD, giảm 12,8%; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,04 tỷ USD, giảm 17,7%. Cá biệt, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD, giảm 52,9%...

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và linh kiện điện tử đang giảm đơn đặt hàng.
Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, đà giảm kim ngạch xuất khẩu sẽ chưa dừng lại mà đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 5 và tháng 6. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, trong quý 1, nhiều DN điêu đứng vì bị đứt nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nên buộc phải giảm năng suất sản xuất. Thế nhưng, ngay khi Bộ Công thương tăng cường công tác kết nối, mở rộng nhiều thị trường cung ứng nguyên liệu, tình trạng trên được nhanh chóng khắc phục. Điển hình là quý 1-2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường lại chuyển sang khó khăn khác. Đó là DN không có đơn hàng sản xuất hoặc sản xuất nhưng không xuất hàng đi được. Cũng theo ông Tống, đến nay, công ty chỉ mới có các đơn hàng sản xuất hết tháng 6. Còn những tháng tiếp theo thì chưa nhận được đơn đặt hàng nào. 

Trên thực tế, đơn hàng quý 1 vốn được ký cuối năm 2019 nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 không tác động nhiều. Còn từ tháng 4 đến nay, DN phải tái ký đơn hàng mới, nhưng nhiều DN tại châu Âu, Mỹ và châu Á… vẫn đang đóng băng nhà máy, hệ thống phân phối, cửa hàng… vì dịch bệnh. Hiện nhiều DN đang phải giảm 1/3 công suất hoạt động, giảm giờ làm của công nhân để kéo dài hoạt động sản xuất.

Cùng chung lo lắng trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 4 đạt 1,61 tỷ USD, giảm 31,2% so với tháng trước. Mức giảm này đã kéo trị giá xuất khẩu nhóm hàng trong 4 tháng đầu năm 2020 xuống mức 8,65 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Do vậy, có rất nhiều DN thành viên của hội đã phải chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch tăng trưởng của năm xuống mức thấp chưa từng có từ trước đến nay. Đơn cử như kế hoạch tăng trưởng của Tổng Công ty May Việt Tiến, ước tính giảm tới 80%. Còn Tổng Công ty May 10 giảm khoảng 20% trong kịch bản cơ sở và 39% trong kịch bản xấu nhất. Riêng Công ty May Thành Công ước tính sẽ giảm khoảng 13%... 

Chờ… gói hỗ trợ

Dịch Covid-19 kéo dài và đang diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người dân chỉ tập trung ưu tiên mua các loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ… Do đó, với những nhóm hàng hóa còn lại vốn được xếp vào mức không thiết yếu hoặc tính thiếu yếu không cao, có nguy cơ phải ngưng hoạt động hoặc phá sản. 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, hiệp hội cũng tổ chức 2 cuộc khảo sát về sức khỏe của DN và khả năng tiếp nhận, hấp thụ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Kết quả cho thấy, chỉ có 21% DN tham gia khảo sát trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5, 12% DN tiếp tục duy trì đến hết tháng 6. Tương tự, tỷ lệ DN cầm cự được đến tháng 9 cũng chiếm 12%. Chỉ có 2% DN trả lời duy trì sản xuất đến cuối tháng 12. Còn lại sẽ phá sản trong quý 2 hoặc không xác định được khả năng sẽ tồn tại. 

Riêng về tiếp cận các gói chính sách hỗ trơ của Chính phủ, có đến 61% DN cho rằng, việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi. Hỏi về lý do chưa thuận lợi, 28% nêu ý kiến các loại thủ tục còn phức tạp; 14% cho rằng, cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình; 9% DN không có người làm do đã ngưng hoạt động; số còn lại không có ý kiến.

Trước tình hình đó, nhiều DN cho rằng, những gói chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cần phải được đẩy nhanh đến với các DN hơn nữa. Các ngân hàng cần sớm thẩm định, trả lời cho DN được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ… Các chính sách hỗ trợ cho vay cần phù hợp với từng đối tượng DN theo ngành nghề kinh doanh; quy mô sản xuất của DN không nên đánh đồng các loại hình DN, các ngành nghề. Riêng với các DN nhỏ, siêu nhỏ rất cần có sự bảo trợ, bảo lãnh vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục