Chiều 22-11, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT 2, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” nhằm mở rộng thị trường, nhiều sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, cùng với đó là các tiêu chuẩn cũng ngày càng nâng cao.
Hiện nay, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng nông sản, thực phẩm còn ít nên người tiêu dùng có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nguyên nhân là nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.
Chia sẻ tại diễn dàn, ông Bùi Phước Hòa, đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, vấn đề khó khăn đầu tiên là chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn. Thói quen và tập quan trồng trọt canh tác, thu hoạch cũ và chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ quy định…
Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp thông tin, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê…
Để nâng cao và duy trì chất lượng nông sản ổn định, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành đề nghị, nông dân cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường.
Cụ thể, ứng dụng máy bay nông nghiệp đa chức năng trong canh tác lúa giảm phát thải sẽ giúp các hoạt động gieo giống, rải phân bón, phun thuốc được thực hiện chính xác đến từng phút. Từ đó, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép, điều mà con người khó hoàn thành chính xác.
Bên cạnh việc sử dụng máy bay nông nghiệp đa chức năng, hệ thống quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông minh cũng giúp nông dân nắm bắt tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lượng giống, sâu bệnh hại 24/7 và có sự điều chỉnh phù hợp nếu các thông số kỹ thuật vượt quá ngưỡng cho phép.
Do đó, nông nghiệp cần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp.
Từ đó, tạo ra một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững, xây dựng được các chuỗi cung ứng từ đầu vào - cung cấp dịch vụ đến thu mua, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu và trong đó lấy nông dân làm vị trí trung tâm.
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo về tiêu chuẩn.
TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, (Bộ NN-PTNT) lưu ý, mỗi thị trường nhập khẩu có quy định khác nhau. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến...