Tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, việc hình thành chuỗi doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Việt Nam hiện đã gia nhập sâu vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Ngược lại, thị trường nội địa độ mở cũng rất lớn. Hiện nay đang tồn tại tình trạng, một số quốc gia tích cực mở cửa thị trường, thúc đẩy tự do hóa thương mại, không ít quốc gia lại theo xu hướng bảo hộ, tạo rào cản thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Điều này vừa giúp doanh nghiệp trong nước tăng thị phần xuất khẩu nhưng cũng chịu không ít khả năng cạnh tranh và đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy, chỉ với giải pháp liên kết các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp mới tạo ra sức mạnh tổng hợp, cùng chia sẻ cơ hội và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, Chính phủ cần đẩy nhanh cải cách thể chế. Doanh nghiệp phải được cởi trói, được tháo gỡ khó khăn, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, phản hồi chính sách và cách tốt nhất để thực hiện là thông qua các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đại diện.
Ông Trần Bảy, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp và Nhà đầu tư tại TPHCM cho biết thêm, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp phải là đầu mối kết nối thông tin, tổ chức xúc tiến thương mại và xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho ngành hàng hiệu quả hơn. Về phía doanh nghiệp cũng cần phải chủ động cải thiện trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.