Thách thức từ "thương chiến"
Mở đầu cuộc họp, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế toàn cầu hiện đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn duy trì ở mức khoảng 3,2 - 3,3%, nhưng đây không phải là mức tăng trưởng lý tưởng cho một nền kinh tế thế giới phát triển bền vững. Dự báo trong 3 đến 5 năm tới, tăng trưởng toàn cầu khó có thể đạt mức tiềm năng 3,5%, một dấu hiệu cho thấy sự chững lại trong phát triển của nền kinh tế thế giới.

Những yếu tố này tác động trực tiếp đến Việt Nam, có sự gắn kết chặt chẽ với các đối tác lớn trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam luôn nhấn mạnh việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và đầu tư, nhưng thực tế cho thấy sự phụ thuộc vào hai nền kinh tế này ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh thương chiến bùng nổ, cùng với những rủi ro từ các chính sách thay đổi liên quan đến thuế quan, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng và bảo đảm hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam. Trước đó, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất nhanh chóng do lạm phát hạ nhiệt, nhưng thực tế cho thấy tốc độ giảm lạm phát đã chậm lại. Điều này khiến Fed chỉ có thể giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay và giữ mức lãi suất điều hành trên 4%, cao hơn nhiều so với mức 3% trước đó. Chính sách này đã tạo ra áp lực đối với tỷ giá và lãi suất tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, gây khó khăn trong việc áp dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, sự thay đổi trong địa chính trị, đặc biệt là các quyết sách của Hoa Kỳ về thương mại và thuế quan, càng làm gia tăng rủi ro cho môi trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải có chiến lược ứng phó linh hoạt để duy trì sự phát triển trong bối cảnh này.
Cần mở thêm không gian phát triển cho doanh nghiệp
“Doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó với những biến động từ nền kinh tế toàn cầu. Một trong những chiến lược quan trọng nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc quá mức vào các đối tác lớn mà cần mở rộng quan hệ thương mại với các khu vực và đối tác mới để giảm thiểu rủi ro từ chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế. Riêng tại thị trường trong nước, cần thiết phải mở thêm không gian phát triển cho doanh nghiệp. Trong đó, làm sao tạo ra nhiều doanh nghiệp số, doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất công nghệ cao đủ năng lực để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hiện nay" PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Thêm vào đó, Việt Nam hiện có dư địa tài khóa khá lớn, với tỷ lệ nợ công chỉ chiếm khoảng 38-39% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% do Quốc hội quy định. Điều này mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như các tuyến metro, đường vành đai, hay các dự án năng lượng tái tạo. Cùng với đó, cần tính đến sự tham gia nhiều hơn cho những doanh nghiệp sản xuất trong nước được tham gia vào các dự án này. Có như vậy, việc đầu tư công không chỉ giúp kích thích tăng trưởng mà còn tạo ra động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế.
"Khu vực tư nhân, cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, và phát triển bền vững. Các chính sách này cần tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Một vấn đề hết sức nhức nhối là phải tháo gỡ cho khoảng hơn 1.100 dự án đang bị ách tắc, trong đó chủ yếu là dự án bất động sản. Đây là cơ sở để đưa hàng triệu tỷ đồng lưu thông vào thị trường, tăng nội lực nội sinh cho nền kinh tế", TS Võ Trí Thành nói thêm.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức cần được giải quyết và thành phố đang tập trung vào 4 trọng tâm chính.
Đầu tiên về hạ tầng và quy hoạch. TPHCM sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như mở rộng đường Vành đai, phát triển hệ thống Metro, cải thiện giao thông nội đô nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Tiếp theo TPHCM cam kết tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Một hệ thống hành chính minh bạch, hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ thúc đẩy các dự án mới như Cảng trung chuyển Cần Giờ, xây dựng các trung tâm chuyển đổi số và các trung tâm tài chính quốc tế để thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế số. Dự kiến, thành phố sẽ xây dựng các trung tâm công nghệ cao đa chức năng, bao gồm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Các trung tâm này sẽ được đặt tại TP Thủ Đức, trên cơ sở mở rộng Khu công nghệ cao TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng khẳng định rằng chính quyền thành phố sẽ thay đổi tư duy hành chính, chuyển từ công tác quản lý công quyền sang phục vụ người dân và doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển chủ yếu của thành phố. Thành công của các doanh nghiệp là niềm vui của chính quyền. Khó khăn của các doanh nghiệp chính là nỗi trăn trở của chính quyền. Do đó, chính quyền TPHCM sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển và vươn xa hơn. Những khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao… sẽ được thành phố ưu tiên tìm hướng giải quyết.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh nỗ lực từ chính quyền, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Lãnh đạo thành phố cầu thị, lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Đây là cơ hội quan trọng để cùng nhau tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.