“Năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện 85 trường hợp sản xuất, phân phối sản phẩm giả nhãn hiệu Lacoste. Trong đó, có 5 doanh nghiệp (DN) làm giả sản phẩm Lacoste với quy mô sản xuất 1.000 - 5.000 áo thun/ngày. Toàn bộ sản phẩm giả thương hiệu Lacoste này không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan”. Đây là một trong những cảnh báo được đưa ra tại cuộc họp về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào ngày 30-3 tại TPHCM.
Theo Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường, ông Kiều Nghiệp, năm 2017, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 19.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt 73,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm trên 518 tỷ đồng. Các đối tượng vi phạm thường có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng nên trong nhiều trường hợp các đối tượng trên đã vô hiệu hóa sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Một trong những lý do để hàng nhái, hàng giả tồn tại là do tâm lý chuộng hàng ngoại nhưng ham giá rẻ của người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm L’Oréal, giá chính hãng có thể từ triệu đồng trở lên, nhưng giá ở chợ chỉ khoảng 20.000 - 120.000 đồng/sản phẩm và trên trang mạng thương mại điện tử là khoảng 200.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng mà còn tác động tiêu cực đến chiến lược đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp chính hãng tại Việt Nam. Đại diện Công ty Lacoste cho biết công ty đang có ý định chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm của công ty… Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng vi phạm hàng gian, hàng giả; tăng nặng mức xử phạt. Trường hợp tái phạm nhiều lần thì cần chuyển cơ quan điều tra khởi tố và xử lý hình sự.