Nhiều rào cản
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết rào cản lớn nhất mà các DN TPHCM đang gặp phải là thiếu lưu loát ngoại ngữ để giao tiếp với các đối tác, chi phí đi lại, ăn ở khi khảo sát thị trường ở nước ngoài cao. Sản phẩm, dịch vụ tiêu chuẩn, chất lượng cao và ổn định luôn là áp lực thường xuyên đòi hỏi DN phải đầu tư cải thiện máy móc, công nghệ cao tốn nhiều vốn đầu tư trong khi hoạt động trong tình trạng thiếu vốn thường xuyên.
Đặc biệt, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm ở các nước thường gặp nhiều khó khăn như khó tìm kiếm đối tác để phối hợp tổ chức kết nối DN với DN (B2B) tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh y tế, giáo dục... của nước bạn để tiếp cận với khoa học, công nghệ mới. Khó tìm được thông tin có độ tin cậy cao để hợp tác và cung cấp cho hội viên về thị trường, đơn vị cung ứng sản phẩm, về nhu cầu mua bán để đi đến quyết định tổ chức đoàn DN đi nước ngoài…
Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Phước Hưng kiến nghị các đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần nghiên cứu biện pháp hỗ trợ tốt hơn cho các DN. DN cần có một địa chỉ làm đầu mối liên hệ, cung cấp thông tin làm chỗ dựa vững chắc để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Hương Nga, Ủy viên Thường vụ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mong muốn các đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối vững chắc hơn cho các DN TPHCM với các công ty của nước ngoài. Thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin về tập tục, tập quán, thị hiếu tiêu dùng của nước sở tại để các DN nắm bắt. Khi có thông tin đầy đủ thì DN Việt mới có kế hoạch phù hợp để xúc tiến thương mại.
Hội Da giày TPHCM cũng kiến nghị các đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tìm giải pháp hỗ trợ giới thiệu sản phẩm của DN Việt đến với thị trường ở các nước. Đồng thời, cung cấp cho DN Việt những đối tác có tiềm năng về công nghệ, tài chính vững mạnh để họ tìm hiểu, xúc tiến hợp tác.
Còn đại diện Hội Cơ khí - Điện TPHCM, đề xuất các đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nên giới thiệu nhiều hơn sản phẩm cơ khí của TPHCM đến thị trường các nước. Bởi từ trước đến nay khi tổ chức xúc tiến, các tham tán thương mại thường chỉ tập trung vào những nhóm hàng có thế mạnh như gạo, cà phê, nông sản và nông sản chế biến.
Về vấn đề này, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đánh giá ngành cơ khí máy móc thiết bị, gia công phụ trợ của TPHCM có tiềm năng. Do đó, sắp tới khi tổ chức xúc tiến thị trường, tổ chức hội chợ có thể đưa thêm ngành nghề này vào.
Tăng cường phối hợp
Về phía DN, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Bình Tây, cho biết vừa trở về từ thị trường Đông Âu và nhận thấy tiềm năng phát triển thị trường cho mặt hàng nông sản Việt Nam rất tốt. Hiện nay, hàng hóa “Made in Vietnam” đang rất có uy tín và được chào đón ở nhiều thị trường. Vấn đề với những thị trường mới, xa xôi, các DN Việt lại rất thiếu thông tin nên khó tránh được những hợp đồng thương mại “ma” từ những công ty có biểu hiện gian lận thương mại.
Do đó, bà Giàu mong các đại sứ, tham tán thương mại hỗ trợ tốt hơn trong việc xác thực thông tin của các đối tác cho DN trong nước nắm kỹ. Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), cũng thừa nhận thời gian qua, nhiều DN Việt Nam khi làm ăn với đối tác châu Phi đã bị lừa hợp đồng, mất tiền tỷ. Do vậy, nếu có sự hỗ trợ kịp thời từ các đại sứ, DN Việt sẽ giảm được rủi ro, mạnh dạn xúc tiến đến thị trường mới, lạ.
Bởi trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức mới cho DN Việt. Do đó, việc các tân đại sứ, lắng nghe ý kiến của các DN để có kế hoạch hỗ trợ được tốt hơn.
Trước những ý kiến, đề xuất của các hiệp hội DN và DN, ông Phạm Sao Mai, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao, Đại sứ được bổ nhiệm tại Trung Quốc, cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với đại sứ ở các quốc gia khác để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các DN.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao văn hóa mà mục tiêu kết nối giao thương phát triển kinh tế cũng rất quan trọng. Các đại sứ cũng khẳng định sẽ luôn chủ động tìm kiếm những cơ hội, thông tin thị trường để chuyển về hỗ trợ cho các DN trong nước. Tuy nhiên, các DN Việt cũng cần chủ động liên hệ trình bày cụ thể những vướng mắc để các đại sứ hỗ trợ hiệu quả hơn.