“Chảnh” nên thất nghiệp
Trao đổi với chúng tôi về thực tế khó tuyển dụng nhân lực trong bối cảnh sinh viên thất nghiệp nhưng “chảnh”, đòi mức lương cao ngất ngưởng.
Có dịp trò chuyện với các doanh nghiệp (DN) tại ngày hội việc làm diễn ra cách nay ít ngày ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, mới thấy được phần nào sự chật vật của DN trong việc tuyển dụng nhân sự. Ghi nhận tại bàn làm việc của công ty X. chuyên về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu.
Trong khoảng 30 phút, có trên 50 lượt ứng viên đến tìm hiểu cơ hội việc làm. Khoảng 20 bộ hồ sơ đã được chuẩn bị sẵn hoặc viết vội, gửi lại cho công ty X. Sau khi nhân viên tuyển dụng mở một vài bộ hồ sơ, người viết bài thực sự “ngộp” với thành tích dày đặc của một bạn trẻ mới ra trường 1 năm, nhưng có kinh nghiệm 3 năm làm việc ở 4 công ty khác nhau, với những vị trí rất kêu như phó phòng phụ trách truyền thông, giám sát dự án… Nếu đối chiếu với thời gian học, tính ra bạn này toàn đi làm là chính, vậy thì lấy đâu thời gian học tập? Chưa kể, do tò mò nên người phụ trách tuyển dụng đã kiểm tra trên mạng và thấy, bạn sinh viên này sao chép nguyên xi các thông tin có sẵn tràn lan trên Google để gửi nhà tuyển dụng.
“Chúng tôi rất cần người làm việc, nhưng không thể tuyển, thiếu sàng lọc. Mấu chốt ở chỗ nhiều ứng viên quá chảnh, mới ra trường nhưng đưa ra mức lương cao ngất ngưởng, từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đó là kiểu tự hại mình, đánh mất cơ hội việc làm”, chị Hoàng Lan Trang, giám đốc một DN chuyên về thời trang nội địa và xuất khẩu ở đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TPHCM cho biết.
Để dẫn chứng câu chuyện này, chị Trang chỉ vào tập hồ sơ xin việc của 15 ứng viên, chuyên ngành kế toán, thiết kế thời trang… Trong mục “mong muốn, đề xuất của ứng viên” ghi rõ mức lương đề nghị 12 triệu đồng/tháng, một sinh viên khác chuyên về thiết kế đề xuất thẳng mức lương 18 triệu đồng, dù rằng các bạn này mới tốt nghiệp.
“Rất choáng. Không chút kinh nghiệm, DN xác định phải đào tạo lại những ứng viên này nhưng mức lương các bạn đưa ra làm nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán. Hồ sơ xin việc thể hiện phần nào con người của ứng viên”, anh Ngô Văn Sinh, lãnh đạo Công ty A.S chuyên về hàng xuất khẩu nhận định.
Trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ
Chia sẻ với người viết, cựu sinh viên một trường đại học có tiếng ở TPHCM tâm sự, sau khi “rải” hơn 50 bộ hồ sơ tới hàng chục DN để chờ tuyển dụng, bạn cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng, cuối cùng may mắn cũng mỉm cười khi bạn được chọn vào một vị trí lắp ráp linh kiện bán dẫn cho công ty của Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Buồn cười ở chỗ, công việc này chẳng liên quan gì đến trình độ đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán mà bạn từng học.
“Kinh nghiệm học được từ công việc này sẽ giúp mình trưởng thành hơn. Thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, cũng tạm ổn, nhưng nếu được chọn lại mình sẽ không rải hồ sơ khắp nơi như vậy. Vừa tốn kém, mất thời gian, lại không hiệu quả”, cựu sinh viên trên nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu, Giám đốc Công ty Tạo tác Việt Thương chỉ ra rằng, để được nhà tuyển dụng quan tâm, các bạn trẻ cần đầu tư cho hồ sơ xin việc. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các bạn trẻ cũng nên trau dồi thêm vốn kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ… để nắm bắt cơ hội.
Trong một cuộc họp gần đây để bàn về thu hút nhân tài cho các DN khởi nghiệp, bà Nguyễn Phương Mai, CEO Navigos Search, cũng phân tích thêm trở ngại của một số DN bắt đầu khởi nghiệp chính là thiếu kinh nghiệm và quy trình tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân viên.
Đối với thực tế này, chị Hoàng Lan Trang bổ sung, ngoài lỗi của người xin việc thì nhà tuyển dụng cũng có một phần trách nhiệm, đó là phải xây dựng chế độ đãi ngộ về lương bổng, phúc lợi xã hội… cho người làm. Nếu không, nhân viên sẽ thiếu sự gắn bó, sẵn sàng nhảy việc khi chỗ làm mới có chính sách thu hút nhiều hấp dẫn hơn.