Doanh nghiệp “gồng mình” phục hồi
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, những tháng cao điểm dịch bệnh, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm không được phép gián đoạn sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa phải tăng nguồn nguyên liệu dự trữ, tăng lượng hàng tồn kho.
Thậm chí, trong 4 tháng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9-2021, nhiều doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận bằng 0 hoặc âm để duy trì sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn cung lương thực thực phẩm cho thị trường. Tất cả những yếu tố trên đã “bào mòn” nội lực vốn của doanh nghiệp. Do vậy, đến nay dù đã phục hồi sản xuất, nhưng các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn lưu động.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đa số doanh nghiệp thành viên được khảo sát cho biết không sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất mà chỉ duy trì năng lực sản xuất cũ, đồng thời tăng công suất thiết kế cho phép để bù vào thời gian “ngủ đông” vừa qua.
Các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ vốn để tái nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, tận dụng lợi thế thị trường từ các giải pháp kích cầu tiêu dùng mà TPHCM và Bộ Công thương đang thực hiện. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay lưu động của doanh nghiệp không dễ.
Phân tích rõ hơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, hiện công ty có nguồn vốn vay kích cầu với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhưng chỉ có thể hỗ trợ vốn vay đầu tư mở rộng sản xuất, không thể cho vay theo hình thức vốn lưu động.
Ở góc độ khác, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Nhất Hương Vũ Nam Chiến cho biết, đối với hệ thống ngân hàng, việc cho vay vốn lưu động là có thể, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đã thế chấp tài sản và đã vay đụng trần định mức cho phép.
Linh hoạt vốn vay để tăng nội lực
Các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cũng như các tổ chức tài chính, công ty đầu tư tài chính nhà nước cần phải linh hoạt trong hoạt động cho vay vốn. Ngoài quy định chỉ cho phép vay đầu tư dự án, đầu tư trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất thì nên có hình thức cho vay vốn lưu động.
Trên thực tế, tiềm năng thị trường cho vay vốn lưu động rất lớn, nhưng các tổ chức tài chính trong nước chưa khai thác đúng mức và hiện đang rơi vào một số quỹ đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có thể thế chấp bằng chính hóa đơn đơn hàng của mình cho đối tác để thực hiện vay vốn lưu động.
Đề xuất giải pháp cụ thể, bà Lý Kim Chi phân tích, trường hợp đơn giản hơn là Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho phép nâng hạn mức cho vay theo mức định giá những tài sản thế chấp hiện hữu từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai. Giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Mặt khác, đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay giữa trung, dài hạn và ngắn hạn đối với doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm; trong đó ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỷ lệ hiện nay.
Các doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng thị trường trong các tháng cuối năm rất khả quan. Đơn cử, chỉ tính riêng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 10 đạt 28,87 tỷ USD, tăng 6,8%. Lũy kế đến hết tháng 10-2021, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%. Một tín hiệu tích cực khác là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quay trở lại và gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
Ghi nhận mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn đạt 23,74 tỷ USD. Do vậy, nếu được tạo thuận lợi về vay vốn lưu động để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối, từng bước giành lại thị phần trong và ngoài nước.