Lần đầu tiên được Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay, 20-12, song Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh gợi ý tổ chức thường niên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ luôn đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thực chất, hiệu quả và bền vững. Một trong những biện pháp hỗ trợ như thế là nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.
“Riêng trong năm 2022, ngành tư pháp đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gần 6.000 văn bản có sự chồng chéo, bất cập”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết.
Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang được thực hiện từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với rủi ro từ nhiều phía, do đó việc duy trì diễn đàn này thường xuyên, liên tục là rất cần thiết.
Với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, diễn đàn tập trung vào 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 có chủ đề: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý”. Phiên thảo luận 2 có chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Tại các phiên thảo luận này, các diễn giả đã trao đổi thẳng thắn về quá trình xây dựng, phổ biến và thực thi pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nói: “Trong tình hình đó, chính các cơ quan ban hành chính sách cũng thiếu tự tin, thiếu sự nhất quán trong quan điểm thiết kế, ban hành chính sách; khiến các cơ quan thừa hành và đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp khó khăn”.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) nhận xét: Không hiếm trường hợp do lúng túng trong cách hiểu các quy định pháp luật, doanh nghiệp hỏi, thì các cơ quan nhà nước lại trả lời bằng cách trích dẫn văn bản pháp luật và yêu cầu “làm đúng quy định pháp luật”.
Nêu một số ví dụ cụ thể từ phía cơ quan thực thi chính sách, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhấn mạnh yêu cầu đối thoại chính sách ngay từ khâu thiết kế, xây dựng văn bản pháp luật.
Theo đó, các cơ quan ban hành chính sách cần phổ biến rộng rãi các dự thảo quy định, mở nhiều kênh tiếp nhận, xử lý ý kiến phản hồi và tiếp tục theo dõi việc thực thi trong suốt “vòng đời” của chính sách. Về phần mình, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các lĩnh vực pháp lý có liên quan, tổ chức bộ phận pháp chế hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý từ bên ngoài.