Chiều 28-10, Anphabe tổ chức hội nghị trực tuyến "Vietnam Excellence 2021 – ngược gió vươn cao".
Sau gần hai năm đối mặt với “những mùa gió ngược” đầy thách thức mang tên Covid-19, thị trường nhân sự và nguồn nhân lực Việt Nam có nhiều biến động chưa có tiền lệ.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia nhân sự, CEO và quản lý nhân sự, đã tập trung phân tích xu hướng nhân sự, tâm lý người lao động trong đại dịch. Đồng thời, gợi mở giải pháp để gắn kết nhân viên tác động; giúp doanh nghiệp chuyển mình, mạnh mẽ ngược gió vươn cao và tạo nên kỳ tích trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động.
Tại hội thảo, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe trình bày báo cáo chuyên sâu “ngược gió vươn cao”.
Cập nhật bức tranh của tình hình lương thưởng trong thời khó khăn vì dịch Covid-19, bà Thanh Nguyễn Cho biết, khảo sát lương thưởng hiện tại cho thấy, 47% người đi làm chia sẻ lương họ không đổi so với một năm trước đó, tập trung nhiều ở những người lao động lương dưới 10 triệu đồng/người/tháng.
Có 20% người đi làm chia sẻ rằng họ bị giảm lương, tập trung nhiều hơn ở khối doanh nghiệp Việt Nam với mức giảm trung bình 15%. Chỉ 33% người đi làm cho biết họ được tăng lương, chủ yếu ở các doanh nghiệp nước ngoài, với mức tăng trung bình 8%.
Vấn đề được quan tâm là trong bối cảnh khó khăn với nguồn lực có hạn, làm thế nào để khơi gợi động lực cống hiến của người lao động và giữ chân họ gắn bó lâu dài mà không chỉ phụ thuộc vào yếu tố lương tiền?
Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe nêu 5 nguyên tắc “hành động nghịch lý” giúp doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực kiên cường và có năng lực vượt khó cao. Các nguyên tắc đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp tiên phong đã linh hoạt ứng biến và áp dụng “tư duy nghịch lý” trong các quyết định và hành động.
Cụ thể, với duy “thoải mái với sự không thoải mái”, doanh nghiệp xây dựng hệ “giảm xóc” và tư duy cởi mở với thay đổi, tâm thế sẵn sàng đón nhận thử thách cho toàn tổ chức.
Một ví dụ điển hình, Công ty Saint-Gobain thực hiện chuỗi workshop “phản hồi là một món quà” trên diện rộng để khuyến khích tinh thần góp ý, cùng nhau cải thiện cho nhân viên.
Còn tại ADP Group, doanh nghiệp này dành hẳn 2% doanh thu cho phép nhân viên thử nghiệm và được sai trong quá trình cải tiến hoặc tìm kiếm giải pháp mới khi thực hiện các dự án.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp áp dụng tư duy “xuống thấp để vươn cao” - lãnh đạo càng cao càng cần sâu sát, lắng nghe được những phản hồi trực tiếp từ nhân viên để hành động nhanh và dễ dàng khơi gợi sức mạnh tập thể trong khó khăn.
Công ty KPMG Việt Nam có chương trình “Ask Warrick Anything” cho phép nhân viên đặt câu hỏi với Tổng giám đốc về bất kỳ vấn đề gì họ quan tâm.
Tại Nestlé Việt Nam, khi thấy nhân viên nhà thầu trong căn-tin mệt sau tiêm vaccine, giám đốc nhà máy cùng ban lãnh đạo doanh nghiệp đã xắn tay áo, tự mình vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho hơn 400 nhân viên tại đây.
Do giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương châm “xa mặt mà không cách lòng” và “ở nhà mà không ở yên” để gắn kết nhân viên kể cả khi làm việc từ xa, thực sự chăm sóc người lao động và cùng nhau tăng cường năng lực cho giai đoạn mới.
Giữa lúc khó khăn vì Covid-19, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tạo ra nhiều giá trị hơn với nguồn lực ít hơn bằng cách gia tăng năng suất và nhân nhanh giá trị nhờ chuyển đổi số và tận dụng các nguồn lực nội bộ. Và càng khó, càng cần gắn bó, các doanh nghiệp đã kết nối thường xuyên và truyền thông nội bộ rõ ràng dựa trên sự chân thành để gắn kết bền chặt tổ chức và liên tục tạo động lực thay đổi cho người lao động.
“Nhờ tư duy nghịch lý nên ngay trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp đã có những giải pháp và cách làm sáng tạo, giúp giải quyết nhiều thách thức”, bà Thanh Nguyễn đánh giá.
Vinh danh 24 điển hình Vietnam Excellence 2021 Chiều cùng ngày, Anphabe phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) tổ chức chương trình chứng nhận Việt Nam xuất sắc – Vietnam Excellence 2021. Chương trình nhằm tìm kiếm, vinh danh các lãnh đạo và tổ chức đã có những thành tựu xuất sắc trong việc chuyển hóa kinh doanh, thông qua phát triển con người và môi trường làm việc. Qua đó, lan tỏa rộng rãi và truyền cảm hứng thay đổi cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả, sau ba vòng chọn lọc từ thẩm định hồ sơ, khảo sát nhân viên và đánh giá từ ban cố vấn, chương trình đã tìm ra 24 điển hình xuất sắc trong 2 hạng mục lớn là HR Excellence – Nhân sự xuất sắc 2021 và Leadership excellence – Lãnh đạo xuất sắc 2021. |