Dám chuyển đổi mạnh mẽ
Đánh giá về thị trường lao động TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho hay, qua khảo sát, có hơn 25% DN cắt giảm lao động. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc, tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương, tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương và cho lao động thôi việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 27%), nhất là ở một số ngành, nghề: vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may…
Tối ưu hóa nguồn nhân lực và cách làm mới
Trước tình hình DN tạm ngưng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, theo Falmi, trong quý 2-2020, nhu cầu nhân lực ở các DN TPHCM cần khoảng 47.000 chỗ làm việc (giảm 37%) so với cùng kỳ năm 2019. Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Falmi, cho hay các nhóm ngành, nghề cần lao động bao gồm thương mại điện tử, công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế web), tư vấn trực tuyến, marketing, dịch vụ giao hàng, dệt may, công nghệ tài chính (Fintech), giải trí trực tuyến... Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở những hoạt động lớn.
Theo Anphabe, Covid-19 sẽ qua đi nhưng nhiều thay đổi do dịch bệnh tạo ra sẽ vẫn ở lại. Trong đó, xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà sẽ được nhiều DN cân nhắc áp dụng. Các chuyển đổi nguồn nhân lực từ nhân sự cố định sang tận dụng các nguồn lực chia sẻ (freelance, nhân sự bán thời gian…) sẽ ngày càng phổ biến. Các phương thức tưởng thưởng thay đổi theo hướng giảm chi phí cố định sẽ được ưu tiên hơn. Trong bối cảnh đó, DN cần tối ưu hóa nguồn nhân lực và cách làm việc mới, tiếp tục tận dụng các nền tảng số để đảm bảo sự mượt mà trong vận hành và gắn kết sâu trong tổ chức sẽ là yếu tố tiên quyết.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe, nhận định hậu Covid-19, bên cạnh những thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc thì những kỹ năng mới cũng được hình thành và sẽ quyết định sự “sống còn” của mỗi người đi làm, trong đó chắc chắn có năng lực sử dụng thuần thục các nền tảng công nghệ phổ biến (digital literacy). Trong khi các DN đang liên tục thuyên chuyển hoặc tinh giảm nhân sự theo lộ trình, về phía người lao động, nếu không tập trung phát triển khả năng “đa nhiệm”, ví dụ như nhân viên chăm sóc khách hàng cũng phải biết bán hàng, nhân viên bán hàng có hiểu biết về marketing, nếu không sẵn sàng tinh thần “một người làm bằng hai” để tạo ra nhiều giá trị rõ ràng hơn, thì rủi ro bị đào thải với họ là rất lớn.
Để trợ giúp người lao động khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng sụt giảm, Công ty Navigos Search đã có chiến dịch “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” cho người lao động trong thời điểm dịch Covid-19. Việc hỗ trợ dự kiến kéo dài đến hết tháng 5-2020, với mục tiêu hỗ trợ nhanh nhất cho mọi người lao động gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội mới.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam, cho hay tác động của dịch Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi các hoạt động trực tiếp thành trực tuyến. Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin vì thế đang gia tăng mạnh. 3 ngành trong các công ty công nghệ đang thiếu hụt nhân sự là: phát triển website toàn diện, chiếm 49% nhu cầu tuyển dụng mảng công nghệ; Java & Java script chiếm 27% và kiến trúc hạ tầng chiếm 22%. |