Nhìn chung, đó đều là cách làm im lìm, vì lo ngại thông tin bị rò rỉ khiến khách hàng tẩy chay, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, phát triển thị trường.
Mua một, bán mười
Phân tích của một đại diện thương hiệu Nike chỉ ra rằng, chi phí sản xuất một sản phẩm giả thường rất thấp. Do vậy, người tiêu dùng luôn bị thiệt hại khi mua phải những sản phẩm giả với giá rất cao. Ví dụ, một đôi giày Nike giá mua sỉ tại biên giới là 110.000 đồng, về TPHCM được bán 700.000 - 900.000 đồng/đôi, trong khi đó giá gốc tại Trung Quốc chỉ có 80.000 đồng/đôi.
Tương tự đối với các sản phẩm khác như Adidas, Gap… giá mua tại biên giới rất rẻ, mang về những thành phố lớn sẽ được bán với giá cao gấp hàng chục lần giá gốc. Mới đây, thông tin một lượng lớn mỹ phẩm, son môi giả các thương hiệu Bobbi Brown, Maybelline, Christian Dior, L’Oréal, Chanel… bị lực lượng chức năng TPHCM phát hiện thu giữ càng khiến doanh nghiệp lo ngại.
“Giá bán rẻ bèo chỉ vài trăm ngàn đồng/món. Trong bối cảnh thị trường mập mờ, vàng thau lẫn lộn như hiện nay, người tiêu dùng như lạc vào bát trận đồ, không lối ra. Bởi thực tế, cơ quan chức năng từng kiểm tra, phát hiện tại một vài trung tâm thương mại có tiếng cũng bán hàng giả mạo”, ông Ngô Phước, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về mỹ phẩm nhập khẩu tại TPHCM, bức xúc.
Theo tiết lộ từ một trưởng phòng phụ trách pháp lý của một doanh nghiệp FDI tại TPHCM, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách phát hiện hàng loạt điểm sản xuất, sang chiết dầu gội, sữa tắm các loại mang thương hiệu công ty. Thế nhưng, quy trình để đưa những người sản xuất hàng giả này phải chịu tội trước pháp luật không đơn giản. Do vậy, doanh nghiệp thực sự mệt mỏi, nên mới có tình huống, tháng này đi kiểm tra doanh nghiệp phát hiện cơ sở sang chiết, sản xuất mỹ phẩm giả ở tỉnh A, tháng sau phát hiện cũng người này làm giả ở tỉnh B…
Đặc biệt, giai đoạn cận Tết Nguyên đán 2020 như hiện nay, doanh nghiệp cùng những cơ quan chức năng của TPHCM cũng như các địa phương càng phải căng sức đi bắt hàng giả, hàng lậu. Vị trưởng phòng phụ trách pháp lý doanh nghiệp trên phản ánh: “Có tình trạng đại lý bán hàng từ tỉnh gọi về công ty rằng, cùng một nhãn hàng nhưng giá bán rẻ hơn 30% - 40%, nên bà con đổ xô đi mua hàng rẻ. Qua điều tra, công ty phát hiện các mặt hàng giá rẻ đều là hàng giả mạo, nên chúng tôi mất thời gian, kinh phí để truy tìm nơi sản xuất. Nhưng tìm ra rồi, để xử lý đối tượng vi phạm cũng không dễ dàng”.
Kiểm tra, giám sát thường xuyên
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VACIP), hàng giả bản chất là vì mục tiêu lợi nhuận nên nhà sản xuất và phân phối thường không quan tâm đến chất lượng. Do đặc tính được sản xuất lén lút, không có biện pháp kiểm tra chất lượng và bảo quản tốt nên thường rất độc hại, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, kể cả các sản phẩm may mặc (do được nhuộm bằng phẩm màu độc hại, chất gây ung thư).
Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch VACIP, cho rằng việc sản xuất, kinh doanh hàng giả làm xấu hình ảnh của thương hiệu quốc gia. Hiện phần lớn hàng giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, tuy nhiên họ luôn gắn nhãn “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng. Ví dụ: giày Nike bán tại Saigon Square, chợ Bến Thành có xuất xứ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn “Made in Vietnam”. Điều này làm du khách nhầm tưởng những sản phẩm này do Việt Nam sản xuất, ảnh hưởng lớn đến uy tín của những sản phẩm thật được sản xuất, gia công tại Việt Nam cho các nhãn hiệu nổi tiếng. Việc sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng bán tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống sẽ là rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến những lĩnh vực này, từ đó làm triệt tiêu đi hoạt động sáng tạo, đầu tư và phát triển của các thương hiệu nội địa, của nền kinh tế trong nước.
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, kinh doanh các mặt hàng trọng điểm dịp giáp Tết Nguyên đán 2020, các cơ quan chuyên trách cũng cần tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng về tác hại của hàng giả. Đối tượng hướng đến nhiều nhất chính là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên… Bởi suy cho cùng, chính việc vận động người mua hàng tẩy chay sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng mới là bài toán căn cơ đẩy lùi hàng giả.