Mặc dù sản phẩm của các DN này thống lĩnh thị trường trong nước, nhưng qua báo cáo thuế, các DN vẫn báo lỗ hoặc lãi nhỏ giọt, dù doanh thu mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng!
Coca Cola quảng cáo tại một tủ bán hàng tự động. Ảnh: CAO THĂNG
Ai nói nước uống siêu lợi nhuận (?!)
Nhiều người ví von ngành nước uống giải khát là siêu lợi nhuận, bởi công thức đơn giản là nước pha hương liệu, nhưng bán giá mắc hơn xăng! Thế nhưng, điều lạ là các DN nước giải khát lớn đóng trên địa bàn TPHCM lại có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ vài phần trăm. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm nhưng có năm không nộp thuế đồng nào. Cụ thể, năm 2007 đến 2010, tổng doanh thu 4 năm là 14.000 tỷ đồng nhưng vẫn khai lỗ, nên Pepsico không nộp đồng thuế thu nhập DN nào. Từ năm 2011, doanh thu tăng liên tục từ 7.000 tỷ lên 8.500 tỷ đồng (2012); 10.000 tỷ đồng (2013); gần 12.000 tỷ đồng (2014)… và đến năm 2017 đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Mặc dù doanh số cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành nước giải khát “siêu lợi nhuận” này được Pepsico khai lỗ ở 4 năm đầu, sau đó đạt ở mức 2,7% (2011), lên 3,2% (2012), 6% (2013-2014) và khoảng 9% - 11% ở giai đoạn hiện nay. Đương nhiên, lợi nhuận thấp thì tỷ suất nộp thuế trên doanh thu cũng thấp, chỉ ở mức hơn 1% trên doanh thu.
Thương hiệu nổi tiếng Coca Cola (Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam) nộp thuế còn ít hơn Pepsico. Coca Cola tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007 đến nay nhưng nhiều năm liền khai báo lỗ, chỉ mới có lãi nhẹ ở 3 năm gần đây. Trong khi đó, từ khi có mặt tại Việt Nam doanh thu của Coca Cola đã hơn 1.000 tỷ đồng/năm và tăng liên tục, đến năm 2014 đạt doanh số hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng vẫn bù lỗ nên không nộp thuế. Năm 2015 và 2016, doanh số đạt gần 7.000 tỷ đồng/năm nhưng tỷ suất nộp thuế trên doanh thu chỉ đạt khoảng 2%; năm 2017 doanh thu hơn 7.200 tỷ đồng nhưng tỷ suất nộp thuế trên doanh thu đạt chỉ 1,2%. Tính chung, từ khi ra đời đến nay, Coca Cola có doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, nhưng tổng số thuế thu nhập DN đã nộp đến giờ chỉ hơn 300 tỷ đồng!
“Trùm” sữa ngoại cũng… báo lỗ!
Các nhãn hiệu sữa ngoại mà mọi người thường nói là “con nhà giàu” mới dùng nổi, do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A độc quyền nhập khẩu, khó ai tin lại bị… lỗ! Những sản phẩm do 3A Nutrition nhập khẩu đã thống lĩnh thị trường sữa ngoại, với những sản phẩm dinh dưỡng của Abbott như Similac Mom, Similac Advance, Similac Advance IQ, Gain Advance, Gain Advance IQ, Gain IQ, Gain Plus Advance IQ, Grow, Grow Advance IQ, Grow School, Pediasure BA, Ensure và Glucerna. Rõ ràng, những thương hiệu này tràn ngập thị trường với giá cao ngất, và Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ khá mạnh các loại sữa, nhưng DN vẫn khai báo lỗ. Vậy Việt Nam được gì khi thu hút đầu tư?
Khi mới thành lập vào năm 2010, 3A Nutrition không phải nộp thuế vì chưa có doanh thu đã đành, nhưng sang năm 2011, doanh thu của 3A Nutrition đạt 1.200 tỷ đồng mà nộp thuế thu nhập DN chỉ hơn 2 tỷ đồng. Nguyên nhân, DN này khai tỷ suất lợi nhuận chỉ có 1,3% nên tỷ suất nộp thuế trên thu nhập chỉ 0,2%. Năm 2012-2013, doanh số tăng vọt lên gần 7.000 tỷ đồng/năm, với tỷ suất lợi nhuận chỉ 3,8% thì số thuế thu nhập DN phải nộp cũng chỉ có 46 - 48 tỷ đồng (với tỷ suất thuế trên doanh thu chỉ hơn 0,6%).
Điều lạ là kể từ năm 2014 đến nay, Công ty 3A Nutrition liên tục báo cáo thuế lỗ nên không phải nộp đồng thuế thu nhập DN nào, dù rằng doanh số liên tục tăng, có năm đạt gần 10.000 tỷ đồng. Tính ra từ khi thành lập tại Việt Nam đến nay, 3A Nutrition chỉ có 3 năm có lãi với tỷ suất lợi nhuận cao nhất cũng chỉ 3,8%, sau đó DN chuyển sang khai lỗ, và số lỗ có tỷ suất âm đến gần 5%! Trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn không giảm, thị trường được mở rộng, hiện 3A Nutrition đã “phình nở” hệ thống phân phối thông qua việc thành lập nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai…, nhưng lỗ vẫn lỗ (?!).
Tại sao một DN chỉ nhập khẩu và phân phối, biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ với doanh số gần 10.000 tỷ đồng/năm, lại báo cáo lỗ nhiều năm liền? Đó là câu hỏi nóng, đòi hỏi các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để điều tra về chống chuyển giá.
Trên thị trường nước giải khát thì Coca Cola và Pepsico chiếm thị phần khá lớn. Sản lượng tiêu thụ hàng năm tại Việt Nam ở mức “khủng”, qua báo cáo thì doanh thu của 2 DN FDI này trong năm 2017 đã trên 22.000 tỷ đồng. Thế nhưng, số thuế thu nhập DN mà 2 “đại gia” nước ngọt này nộp chỉ… 370 tỷ đồng!