Theo Hiệp hội Công nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu các linh kiện điện thoại di động và điện thoại luôn giữ tỷ trọng cao nhất, góp phần lớn vào cân bằng thương mại của Việt Nam và giảm nhập siêu. Tuy nhiên, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu vào năm 2016 trị giá 34,3 tỷ USD, các doanh nghiệp FDI kiểm soát 99,8%, trị giá 34,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 1/3 số lượng doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam, nhưng chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử của cả nước và chiếm 80% thị phần trong nước.
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Hironobu Kitagawa, tỷ lệ nội địa hóa thấp của nguyên liệu và phụ tùng tác động kìm hãm mức tăng trưởng của Việt Nam. Ví dụ, hiện mức độ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam rất thấp, chỉ có 34%, trong khi của Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí và đảm bảo cung cấp ổn định của các nhà cung cấp linh kiện, hiện phía đối tác Nhật Bản đang tiếp tục chú trọng tìm kiếm đối tác tại địa phương. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nền công nghiệp điện tử Việt Nam cần tăng năng suất, đẩy mạnh chuỗi giá trị và tăng cường nội địa hóa.