Thực tế hiện nay, các gói hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ đã và đang tạo được kỳ vọng rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp, trợ lực nhằm sớm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận các gói hỗ trợ này. Một doanh nghiệp dẫn chứng, để được hưởng lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ không đơn giản, vì thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe… Do vậy, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư để đón lượng khách lớn đến TPHCM thời gian tới nhưng không được duyệt vay với lý do ngành nghề nhiều rủi ro. Một doanh nghiệp khác tại TPHCM cũng chia sẻ, họ có đủ các điều kiện để vay (có bất động sản thế chấp, không nợ xấu…) nhưng hồ sơ phải xếp hàng. Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn nói thẳng, duyệt vay khó khăn như “leo cột mỡ”, nên 2 năm qua, doanh nghiệp hầu như không cậy nhờ gì vào các gói vay ưu đãi, dù chủ trương ban đầu đưa ra đậm tính nhân văn.
Có trải qua tâm dịch mới thấy ngành du lịch đóng góp cho nền kinh tế lớn đến mức nào. Rõ ràng, chuỗi mắt xích kết nối, tạo sức bật phát triển kinh tế chính là ngành du lịch (gồm vận tải, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn…). Dễ thấy, ngay khi dịch bùng phát, các ngành nghề liên quan đều bị ảnh hưởng. Tổng cục Du lịch ước tính, tổng doanh thu năm 2019 của ngành du lịch nước ta đạt trên 720.000 tỷ đồng, trong đó TPHCM đóng góp khoảng 25%. Mặc dù đóng góp nhiều, nhưng sự trợ lực của Chính phủ cho ngành công nghiệp không khói này chưa như kỳ vọng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhẩm tính, mất từ 3-5 năm nữa, ngành du lịch Việt Nam mới có thể phục hồi như trước dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp du lịch nói riêng, ngành du lịch nói chung vẫn còn yếu sức.
Vấn đề đặt ra ở đây chính là cần sớm có chính sách hỗ trợ ổn định, thiết thực cho ngành du lịch. Hàng loạt kiến nghị đã được doanh nghiệp gửi đi và lúc này vẫn phải… chờ đợi. Sự trợ lực kịp thời ngay thời điểm này sẽ vô cùng giá trị, trong bối cảnh doanh nghiệp đã đuối sức sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh.