Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020 thì chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6-2020 đã tăng tới 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%; dệt tăng 7,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,8%.
Những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 0,8%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 0,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,6%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và platics giảm 2,5%; sản xuất trang phục giảm 7,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,4%; sản xuất đồ uống giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7%; sản xuất xe có động cơ giảm 24,4%.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho biết, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6 lại tăng tới 26,7% so với cùng thời điểm này năm trước.
Trong đó, mố số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước, như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,5%; sản xuất trang phục tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,4%; sản xuất kim loại tăng 35,7%; sản xuất thuốc lá tăng 33,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,4%; dệt tăng 28,1%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9%. Trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Công thương cho biết, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại từ do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.
Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Đối với sản xuất, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án ngành điện, nhất là các dự án trọng điểm cấp bách nhằm giải quyết vướng mắc cho các dự án như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2; đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các dự án có tiến độ triển khai rất chậm, trì trệ, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện, đã xử lý chuyển chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.