Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… “Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng chỉ rõ, hội nghị này nhằm tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. “Một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn”, Thủ tướng phát biểu.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những nhận định chung về việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.
Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh…