Các chuyên gia đã trả lời gần 100 câu hỏi của bạn đọc, với nội dung kỳ vọng sản phẩm số của doanh nghiệp Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành công, vươn xa trên thị trường thế giới.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn tặng hoa
cảm ơn khách mời dự buổi giao lưu trực tuyến
Ảnh: CAO THĂNG
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn tặng hoa cảm ơn khách mời dự buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG |
Khẳng định phân khúc riêng
Bạn đọc Hứa Văn Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi với ông Ngô Minh Trí, Giám đốc đơn vị Giải pháp và dịch vụ doanh nghiệp (Công ty TNHH Phần mềm FPT): “Với mảng xuất khẩu phần mềm, FPT Software bắt đầu làm từ năm 1999 và dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Bí quyết của FPT là gì?”. Ông Ngô Minh Trí trả lời: Doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023 là mốc đầu tiên trong chiến lược phát triển dài hơi của FPT tại thị trường nước ngoài. FPT luôn có những chiến lược mới, linh hoạt thay đổi theo thị trường và thế giới để tiếp cận khách hàng mới, công nghệ mới.
Trả lời câu hỏi “Trong năm 2022, tăng trưởng của công ty tại các thị trường trọng điểm như thế nào?” của bạn đọc Anh Khoa (TP Thủ Đức, TPHCM), ông Ngô Minh Trí cho biết, sau hơn hai thập niên toàn cầu hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25%-30%/năm, FPT đã đóng góp tích cực vào doanh thu xuất khẩu phần mềm của ngành CNTT Việt Nam. Cùng với Nhật Bản, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương là những thị trường có tốc độ phát triển mạnh mẽ, tạo thế kiềng ba chân của FPT trên toàn cầu.
Với Viettel (đơn vị đã khẳng định vị thế khi đầu tư ra nước ngoài), bạn đọc Taninhoai…@hotmail.com đặt câu hỏi: “Ngoài những thị trường đã đầu tư, Viettel có ý định mở rộng và đầu tư thêm nhiều thị trường khác không?”. Về vấn đề này, ông Phạm Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh giải pháp quốc tế - Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, thông tin, ngoài những thị trường đã đầu tư, Viettel cũng hướng tới hiện diện tại nhiều quốc gia tiềm năng khác như Bangladesh, Ai Cập, Mông Cổ... và quyết tâm chinh phục, đón đầu cơ hội mới tại những thị trường này để xác lập chỗ đứng trên bảng xếp hạng quốc tế.
“Khi đi ra thế giới, có phải quan điểm của Viettel là thiết kế công nghệ đặt con người làm trung tâm, xin nói rõ hơn vấn để này?”, bạn đọc Đào Văn Thanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) đặt câu hỏi. Ông Phạm Trung Dũng trả lời: Công nghệ từ trái tim nghĩa là phát triển công nghệ xuất phát từ sự đồng cảm, quan tâm, mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người; Viettel không chỉ bán sản phẩm mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để cùng nhau tạo nên những giá trị riêng và cộng hưởng những giá trị khác biệt ấy để kiến tạo xã hội số.
Với câu hỏi “Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của doanh nghiệp CNTT tại TPHCM, và TPHCM cần làm những việc nào để đưa doanh nghiệp CNTT của TPHCM ra nước ngoài?” của bạn đọc Văn Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA, chia sẻ: Với năng lực hiện nay, TPHCM có thể trở thành một trung tâm về R&D và giải pháp CNTT, giải pháp số ở Đông Nam Á và châu Á. TPHCM nên có những chương trình xúc tiến thương mại riêng cho lĩnh vực công nghệ và giải pháp số.
“Tôi cho rằng ở giai đoạn đầu tiên, nên nhắm đến thị trường Đông Nam Á vì có trình độ tương tự như Việt Nam. Với đà tăng trưởng ở mức 2 con số, thị trường kinh tế số ASEAN dự kiến đạt 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới và sẽ là thị trường lớn, vừa sức, khả thi cho các doanh nghiệp CNTT TPHCM trong giai đoạn đầu ra biển lớn”, ông Trần Phúc Hồng trả lời thêm.
Các bạn trẻ tìm hiểu về công nghệ nhà thông minh tại một triển lãm về công nghệ tổ chức tại TPHCM. Ảnh: TẤN BA |
Sẵn sàng hỗ trợ
Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi rất sát với thực tế, như bạn đọc Nguyễn Ngọc Tính (quận 6, TPHCM) đặt câu hỏi: “Trong nhiều năm qua, theo quan sát cá nhân, VINASA chú trọng những hoạt động mang tính chất phong trào vào những sự kiện mang tính “hội hè” nhiều hơn?”. Ông Lâm Quang Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), trả lời: Để tìm được cơ hội kinh doanh, cần phải có kết nối. Chúng tôi cho rằng những sự kiện mang tính “hội hè” đều có tác dụng trong việc xây dựng cộng đồng và tạo kết nối cho các doanh nghiệp, để từ đó tìm thấy các cơ hội hợp tác và kinh doanh. “Việc kết nối thị trường nước ngoài, VINASA có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm phần lớn chi phí nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác của VINASA. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT tận dụng tối đa các ưu đãi này để xây dựng và bồi đắp kết nối với khách hàng trên thị trường quốc tế”, ông Lâm Quang Nam nhấn mạnh.
Bạn đọc Anh Vũ Trần đặt câu hỏi: “Bộ TT-TT có đánh giá, nhận định như thế nào về dư địa xuất khẩu công nghệ số cho Việt Nam trong những năm tới? Và những ngành công nghệ được thế giới quan tâm thuộc dịch vụ nào?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và TT (Bộ TT-TT), cho biết: Thị trường dịch vụ CNTT thế giới (không tính phần của các BigTech, các công ty dịch vụ CNTT hàng đầu như Infosys, Ascernture...) là 1.000 tỷ USD, nghĩa là dư địa lớn. Doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh ở các phân khúc, dịch vụ như: CNTT, ODM, OEM, các sản phẩm công nghệ mới mà thế giới đang khởi động. Còn bạn đọc Hoàng Hải đặt câu hỏi: “Theo Bộ TT-TT, với trình độ công nghệ Việt Nam đã cạnh tranh được với các BigTech, những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Amazon, Google, Oracle, SAP, Meta... chưa?”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa giải đáp: “Theo tôi là chưa thể. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể có rất nhiều việc, nhiều phân khúc thị trường mà Amazon, Google không thể “bao” hết được, trong khi đó Việt Nam làm được, ví dụ điển hình cho điều này là FPT, VMO, NTO, TMA... Chúng ta cần có cách nhìn sòng phẳng đối với bức tranh thị trường thế giới. Từ đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia sẽ tìm ra phân khúc của riêng mình để cạnh tranh”.
Ông NGUYỄN THIỆN NGHĨA, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và TT (Bộ TT-TT): Cần định hình phân khúc thị trường tại các quốc gia
Bộ TT-TT đã xác định, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển thị trường ở nước ngoài chính là một trong các thế mạnh của quốc gia. Đồng thời có các hoạt động, chiến lược hỗ trợ tập trung vào nội dung này trong thời gian tới. Điểm mấu chốt, quan trọng nhất để một doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đi ra nước ngoài và thành công với những sản phẩm công nghệ số ở thị trường quốc tế là hiểu sâu sắc văn hóa và ngôn ngữ thị trường bản địa, nghĩa là doanh nghiệp cần những nhân sự phù hợp. Đó chính là yếu tố giúp kết nối các sản phẩm, dịch vụ hiện có của doanh nghiệp đến với khách hàng bản địa. Điểm mấu chốt thứ hai là khi phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT, doanh nghiệp cần định hình ngay phân khúc thị trường của mình tại các quốc gia. Điều đó sẽ tác động đến các yếu tố như tính năng kỹ thuật, giao diện, triết lý của sản phẩm… Bộ TT-TT cũng nhận định, hệ sinh thái doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam là một phần bổ sung quan trọng của hệ sinh thái CNTT thế giới nên sẽ có rất nhiều việc mà các doanh nghiệp có thể triển khai ở các thị trường trong thời gian tới.
Ông NGÔ MINH TRÍ, Giám đốc đơn vị Giải pháp và dịch vụ doanh nghiệp, Công ty TNHH Phần mềm FPT: Nhiều cơ sở để FPT đạt được các mục tiêu lớn trong năm 2023
Năm 2023, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, là một năm mong manh của kinh tế toàn cầu với những biến động về kinh tế, địa chính trị và suy thoái kinh tế. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng sụt giảm nguồn cung ứng cũng như nhân sự, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và tìm cách giữ được tốc độ tăng trưởng, tối ưu hiệu quả kinh doanh. Nhưng trong lịch sử, khi có khủng hoảng thì cơ hội tăng tốc sẽ nằm trong tay những ngôi sao mới, những người thay đổi cuộc chơi “game changer”. CNTT là một ví dụ “game changer” khi ngành này được Gartner dự đoán nhu cầu chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD, cho nên FPT sẽ là “game changer” với đầy đủ sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Năm 2023, FPT sẽ tập trung mở rộng các thị trường chiến lược trọng điểm MILAR (Morocco, India, Latin, America, Romania), bền bỉ theo đuổi hợp đồng lớn, tham gia vào toàn bộ các hợp đồng cung cấp CNTT cũng như chọn hướng M&A các công ty danh tiếng… Đó là những cơ sở để FPT tự tin với mục tiêu đề ra.