Chiều 18-9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (ICT) với chính quyền TPHCM. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì hội nghị.
Thông tin tại hội nghị cho thấy những năm qua, TPHCM là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch kinh tế với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Trong đó, ICT là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và trong nhóm 9 ngành dịch vụ ưu tiên của TPHCM, có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm gần đây, đạt 16,5%/năm, sản lượng sản xuất chiếm trên 17% so với cả nước.
Song, bản thân ngành ICT của TPHCM vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đặc biệt, nhiều ý kiến tại hội nghị bày tỏ lo ngại về tình trạng độc quyền, bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ trong ngành.
Các lập trình viên làm việc trong Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: VIỆT DỦNG
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM, chia sẻ: Trong đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, rất cần DN lớn làm bệ đỡ. Họ vừa đầu tư, vừa là đối tác và là khách hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Song cũng cần thấy rằng các chính sách đang dành sự ưu tiên nhiều cho DN lớn, chẳng hạn như trong xây dựng đô thị thông minh với những DN lớn như VNPT, Viettel, FPT…, trong khi DN nhỏ thì không thể tham gia dù có sản phẩm tốt hơn. Điều này tạo sự độc quyền, không tốt cho đổi mới sáng tạo.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam bày tỏ, các doanh nghiệp CNTT mong muốn đóng góp cho TPHCM, đặc biệt là trong 7 chương trình đột phá và chủ trương xây dựng đô thị thông minh.
Các DN CNTT cần thông tin, cần đặt hàng, cần được chia sẻ chính sách một cách công khai. Được như vậy thì DN CNTT TPHCM với đa phần là DN vừa và nhỏ mới có cơ hội phát triển, đóng góp cho thành phố.
Cũng vẫn là lo ngại chuyện “độc quyền”, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech, cho biết không chỉ dự án lớn mà dự án nhỏ cũng độc quyền, như mua sắm công ở huyện vẫn không có đấu thầu. Các dự án đó không phải công nghệ mới, dòng đời sản phẩm sắp hết nhưng vẫn được đầu tư, như vậy là lãng phí, không chỉ gây thiệt hại cho DN nhỏ mà còn thiệt hại ngân sách.
Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến giải đáp, chia sẻ: Các thách thức của TPHCM hiện còn rất lớn. TP quyết tâm xây dựng đề án đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề, đặc biệt là tương tác với doanh nghiệp, người dân. TP mong muốn đóng góp của DN CNTT qua đề án này bằng các sản phẩm cụ thể.
TPHCM cam kết không có cơ chế độc quyền; khuyến khích mọi DN đăng ký, giới thiệu các sản phẩm.
“TPHCM sẽ có các buổi làm việc với các tập đoàn lớn của ngành điện, nước… để giới thiệu các sản phẩm của DN CNTT. Vì thế, các DN cần tham gia bằng sản phẩm hết sức cụ thể. Đây là cách làm để tạo ra hướng mở cho thị trường, nhất là thị trường công”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến kết luận.