Sáng 24-8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông với chính quyền TP”.
Hàng loạt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, đặc biệt là việc xin giấy phép con, việc thực thi chính sách tại các cơ quan chức năng, chất lượng nguồn nhân lực… đã được các hiệp hội, DN trong ngành thẳng thắn nêu lên.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu nêu thực trạng: DN CNTT của Việt Nam hầu hết thuộc loại cỡ nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, sản xuất kinh doanh đồng thời cả phần cứng, phần mềm và rất khó tách bạch. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng cho dịch vụ, phần mềm máy tính.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thì bày tỏ lo lắng về dự thảo Quyết định quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, phần mềm, dịch vụ phần mềm đang được Bộ TT-TT triển khai lấy ý kiến. Dự kiến thời gian thí điểm là 5 năm, với “mấu chốt” là quản lý dịch vụ, phần mềm như quản lý hàng hóa thông thường.
Theo đó, quyết định quy định các DN khi xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông (CNTT- ĐT-VT) phải đăng ký trực tuyến với với Bộ TT-TT; hồ sơ này sau đó được chuyển sang hải quan để kiểm định trước khi cấp giấy phép xuất nhập khẩu.
“Quy định này khiến DN mất thêm thời gian (khoảng 3 ngày) cùng các loại chi phí khác khi thực hiện hoạt động mua bán sản phẩm. Thực tế DN mỗi ngày thực hiện hàng chục dự án lớn nhỏ, chính điều này sẽ khiến DN Việt đánh mất nhiều cơ hội. Hơn nữa, việc bắt buộc các DN phải khai báo quá nhiều thông tin bảo mật về sản phẩm là vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực CNTT”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nói.
“Có thiết bị nào không gắn với an toàn thông tin. Chưa kể xin được giấy phép, DN phải mất thời gian và các khoản chi phí. Đây là những giấy phép “con” không nên áp dụng”, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị.
“Thanh toán chậm bởi lý do… lãnh đạo về hưu” cũng là một khó khăn khác mà Công ty TNHH Công Nghệ Thế Giới Thông Minh đang gặp phải khi cung cấp dịch vụ, phần mềm cho một số cơ quan nhà nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành công ty chia sẻ: Dự án trong lĩnh vực chính quyền điện tử thường kéo dài 2-3 năm, khiến các DN nhỏ không đủ vốn để xoay vòng. Nhiều trường hợp công ty phải “năn nỉ” khách hàng thanh toán, trong khi lý do được khách hàng thông báo là… chờ vốn ngân sách, thay đổi lãnh đạo.
"TPHCM đang ở giai đoạn cuối hoàn chỉnh Đề án xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh. Công nghệ luôn thay đổi, nhưng chủ trương của lãnh đạo TP là đặt hàng và dành ưu tiên mời gọi DN trong nước tham gia, đặc biệt là các hạng mục quan trọng, đòi hỏi tính an toàn thông tin cao như Trung tâm dữ liệu dùng chung mã nguồn mở, Trung tâm an toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng chiến lược TP…"- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến
Tuy vậy, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành vào tăng trưởng của thành phố chưa cao. Năm 2015 chiếm 4,1%, chưa tương xứng với tiềm lực của TP do còn tồn tại nhiều rào cản như chính sách chưa đồng bộ, người thực thi chính sách chưa tạo điều kiện cho DN được hưởng các ưu đãi đặc thù của ngành… Cùng với đó, chúng ta cũng chưa vận dụng, phát huy đúng mức các loại tài nguyên đất, tài nguyên nguồn nhân lực, cơ chế chính sách…
Từ thực tế này, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nêu nhiệm vụ chủ yếu của ngành CNTT TP phải thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2017 là: Tổ chức ký kết trách nhiệm giữa lãnh đạo TP với các hiệp hội và liên minh phần mềm. Trên cơ sở đó, TP sẽ chỉ đạo sở, ngành thực hiện công tác hỗ trợ DN; có đánh giá sơ kết, tổng kết, quy kết trách nhiệm rõ ràng.
“Thực tế cho thấy, trên chỉ đạo rõ nhưng xuống đến từng chuyên viên thực hiện còn lơ là, sao nhãng. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm từng các nhân, đơn vị là cần thiết và cần sớm thực hiện”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nêu rõ.
Ở từng vấn đề cụ thể, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu: Cục Thuế TP sớm đề xuất thêm các chính sách ưu đãi về thuế dành cho đối tượng là DN trong ngành có doanh thu cao; phát huy vai trò Trung tâm tư vấn về thuế. Sở TT-TT kiến nghị Bộ TT-TT và các bộ ngành bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng chặt chẽ nhưng cũng cần nhanh chóng, đơn giản. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC ) cần cải tiến các chương trình, sự kiện kích cầu theo hướng thu hút nhiều hơn đối tượng là khách hàng, thay vì chỉ các DN cung cấp sản phẩm như hiện nay. Cùng với đó, thành lập Văn phòng doanh nghiệp khởi nghiệp (dự kiến tại địa chỉ số 123 Điện Biên Phủ, quận 3), đây là địa chỉ để DN đến tìm hiểu, nhận tư vấn hoặc triển lãm sản phẩm khởi nghiệp.