Phát biểu khai mạc phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 (VBF 2023), Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đại diện các bộ ngành liên quan đều có mặt để lắng nghe và trao đổi, để cùng hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đây cũng chính là mục tiêu của VBF suốt 25 năm qua, đồng chủ trì Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Soren Roed Pedersen chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc VBF 2023 - phiên kỹ thuật |
“Năm nay, với chủ đề được chọn là "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", chúng tôi hiểu được đây là con đường tất yếu nhưng dài hạn, cần có những thay đổi cơ chế, chính sách.... để phát huy nguồn lực, động lực. Vì vậy, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chia sẻ, thảo luận”, ông Soren Roed Pederson nói.
Tham gia phiên kỹ thuật của VBF năm nay có các nhóm công tác, gồm điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản...
Trong đó, doanh nghiệp nêu nhiều vấn đề còn vướng mắc như chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các kiến nghị về thuế, hải quan...
Chia sẻ tại diễn đàn, ông David John Whitehead - Nhóm công tác nông nghiệp (CTNN) cho biết, lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu bao gồm Mỹ và châu Âu đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản kể từ quý 4-2022, xu hướng này có thể kéo dài hết quý 1-2023.
Tuy nhiên, dự kiến trong nửa cuối năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng. “Dự kiến trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các yêu cầu của thị trường sẽ trở nên khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác các cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, chú trọng đến trách nhiệm đối với môi trường, đồng thời tập trung vào nông nghiệp tuần hoàn như một phần của nền kinh tế tuần hoàn”, ông David John Whitehead khuyến nghị. Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, nâng cao hiệu quả các hoạt động sau thu hoạch, trong đó có khâu đóng gói.
Trong khi đó, ông Trần Anh Đức, đại diện Nhóm đầu tư và thương mại cho rằng, thời gian qua có thể nhận thấy nhiều điểm cải thiện tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online. “Đặc biệt là trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ. Nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép”, chuyên gia này phản ánh.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, trong số các doanh nghiệp liên doanh, có nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cần được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thực hiện tốt điều này cũng là bằng chứng thuyết phục về việc Việt Nam ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài.