Giữ được đà tăng trưởng mạnh
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết năm 2017, dù sản xuất nông nghiệp trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành chế biến lương thực thực phẩm vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, giá nông sản, thực phẩm, nhất là thịt heo, giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và ngành chế biến thực phẩm. Mặt khác, phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu, cộng với giá thành nguyên liệu tăng nhanh, nên DN rất bị động trong hoạt động sản xuất.
Năm 2017 cũng là năm các DN trong nước đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những DN nước ngoài đổ bộ vào thị trường nội địa, thông qua hệ thống phân phối hiện đại và thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Trong đó phải kể đến những vụ M&A các thương hiệu chế biến thực phẩm mạnh và có thị phần tiêu thụ nội địa rộng như Kinh Đô, Bibica, Cầu Tre…
Chế biến chả lụa tại Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong. Ảnh: CAO THĂNG
Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định, năm 2016-2017 đánh dấu sự đổ bộ rất mạnh của các DN ngành chế biến lương thực thực phẩm của Nhật, với hơn 200 DN đưa sản phẩm vào thị trường thông qua hệ thống phân phối của Nhật tại Việt Nam.
Thế nhưng, bất chấp những khó khăn trên, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt mức 19 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.
Cụ thể: Thủy sản đạt hơn 8,3 tỷ USD - tăng 18%; rau quả đạt gần 3,55 tỷ USD, gạo đạt hơn 2,6 tỷ USD - tăng 40,5%. Sản phẩm nông thủy sản Việt Nam đã thâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, 28 nước châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan…
Đại diện nhiều DN cho rằng, trong năm 2017, Chính phủ nói chung và TPHCM nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động đối thoại cùng DN để minh bạch hơn chính sách hỗ trợ cũng như quản lý.
Các cơ quan chức năng đã có những chuyển động tích cực hơn nhằm hỗ trợ DN kết nối thị trường, phát triển thương hiệu Việt. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho DN sát với thực tế hơn.
Điều này đã tạo thuận lợi cho hàng loạt DN ngành chế biến thực phẩm mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp, như Vinamilk, Tường An, Vissan, Ba Huân…
Ông Đào Trọng Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cho rằng, phải ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của DN trong việc vượt rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dù gần 800 DN Việt đã bị ngưng xuất khẩu qua thị trường Mỹ nhưng tính đến cuối năm 2017, Việt Nam vẫn đứng trong tốp những nước có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất.
Tương tự, các thị trường khó tính khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng ghi nhận sự tăng trưởng rất mạnh của hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Chủ động nắm vững các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới
Tuy nhiên, ngược lại với những kết quả khả quan trong hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường ngoại, sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm lại đang gặp khó tại thị trường nội địa.
Các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang từng ngày cạnh tranh giành niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt.
Nếu như kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3%, thì đến nay đã tăng lên 8% - 10%, thậm chí có những sản phẩm - như bánh kẹo, đồ uống - chiếm tỷ lệ khá cao: 12% - 17%.
Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt, các DN Thái, Nhật, Hàn còn giành phần thắng với việc đưa ra những sản phẩm có chất lượng an toàn, phù hợp thị hiếu và mức thu nhập của người tiêu dùng.
Thực tế này đã gia tăng thêm sức ép cạnh tranh cho hàng nội địa, nhất là trong bối cảnh nhiều DN Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính, đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Đơn cử như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk.
Song song đó, sự kiểm soát của các cơ quan quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng nên nạn hàng gian, hàng giả tràn lan trên thị trường. Hệ quả là những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường thì càng phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn.
Trong năm 2018, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế sẽ tác động nhanh, mạnh hơn đến nền kinh tế và các DN trong nước.
Do đó, để có thể nắm chắc được lợi thế phát triển, bà Lý Kim Chi cho rằng, cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN: Đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho DN, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, nhất là DN nhỏ và vừa.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, giảm lượng hàng tồn kho của DN, thông qua chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước.
Hỗ trợ các DN có thương hiệu bán lẻ mạnh trong nước có cơ hội mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới tại các tỉnh - thành trong cả nước, để tăng lợi thế cạnh tranh và sức tiêu thụ nội địa.
Riêng với thị trường xuất khẩu, ông Đào Trọng Nhân nhấn mạnh, DN cần chủ động nắm vững các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những DN có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Thông tin về các rào cản kỹ thuật tại nhiều thị trường trên thế giới dự báo sẽ thay đổi nhiều trong năm nay, do các nước ngày càng quan tâm hơn đến yếu tố đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy nên, DN phải luôn cập nhật kịp thời để tránh tình trạng bị đình chỉ xuất khẩu hàng vào các thị trường trên.