Doanh nghiệp chế biến nông sản: Cạnh tranh tốt với hàng ngoại

Riêng với TPHCM - nơi tập trung khoảng 70% DN sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư thực hiện 2 đề án quan trọng là: Đề án phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và đề án xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất của ngành. 


Đánh giá thị trường năm 2021, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành nông lâm, thủy hải sản, lương thực thực phẩm cho rằng, khó khăn vẫn còn, ít nhất đến hết tháng 6-2021. Do vậy, để ứng phó với tình hình trên, các DN một mặt duy trì chiến lược mở rộng thị trường nội địa, mặt khác gia tăng khả năng xuất khẩu. 

Doanh nghiệp chế biến nông sản: Cạnh tranh tốt với hàng ngoại ảnh 1 Chế biến thịt tại Công ty Cổ phần thực phẩm  CJ Cầu Tre. Ảnh: CAO THĂNG
Những con số ấn tượng 
Phân tích chung về tình hình tăng trưởng ngành nông lâm, thủy hải sản, chế biến lương thực thực phẩm, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có nhiều biến động, nhất là ở hoạt động xuất nhập khẩu. Nông nghiệp cả nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, chi phí đầu vào tăng cao, thiên tai, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất nông nghiệp và các DN ngành sản xuất chế biến thực phẩm. 
Trong bức tranh kinh tế chung đó, nông nghiệp góp phần là điểm sáng quan trọng, khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế vào những lúc khó khăn khi tăng trưởng đạt 2,68% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019); xuất khẩu liên tiếp xác lập kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019 và thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5%.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính có mức giảm nhẹ, chỉ đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 và thủy sản chỉ đạt 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%. Ngược lại, có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trên 3 tỷ USD bao gồm tôm đạt 3,66 tỷ USD, rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD, hạt điều đạt 3,24 tỷ USD, gạo đạt 3,07 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng cho nông nghiệp Việt Nam năm 2020. Riêng tại TPHCM, dù có mức tăng trưởng thấp, khoảng 1,39% (năm 2019 mức tăng trưởng 7,83%) nhưng riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trưởng khả quan khi đạt mức 2,2%. Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ các sản phẩm chế biến thực phẩm tăng 4,3%. Ngành chế biến thực phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung. 

Lý giải thực tế trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các DN ngành lương thực thực phẩm đã chủ động chuyển đổi hoạt động kinh doanh sản xuất. Các DN gia tăng phủ kín hàng hóa trên các kênh phân phối truyền thống kết hợp thực hiện chính sách bình ổn giá. Điều này không chỉ bù đắp nguồn cung thiếu hụt trên thị trường do gián đoạn chuỗi cung ứng từ hàng nhập khẩu mà còn tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Quan trọng hơn, bù đắp những thiếu hụt doanh thu do gián đoạn đơn hàng xuất khẩu. 

Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, từ đầu đợt dịch, lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15%-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, công ty phải tổ chức cho công nhân làm 3 ca. Lượng hàng dự trữ lưu trong kho đảm bảo sẵn sàng đáp ứng khoảng 39% nhu cầu tiêu thụ của TPHCM và 61% nhu cầu cả nước. Điều đáng nói, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các nhóm sản phẩm tăng, đặc biệt ở nhóm hàng hóa thiết yếu, các DN không những giữ nhịp cung ứng cho thị trường mà còn tham gia thực hiện bình ổn giá. Thực tế này đã ngăn chặn tình trạng trục lợi thị trường từ những đơn vị làm ăn không chân chính. Mặt khác, đã làm tăng uy tín thương hiệu hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước. 
Doanh nghiệp chế biến nông sản: Cạnh tranh tốt với hàng ngoại ảnh 2 Chế biến rau tại HTX Phước An, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp

Nhìn nhận thị trường trong năm 2021, nhiều DN cho rằng, tình trạng khó khăn vẫn duy trì, ít nhất đến hết tháng 6-2021. Để ứng phó với tình hình trên, các DN một mặt duy trì chiến lược mở rộng thị trường nội địa, mặt khác gia tăng khả năng xuất khẩu. Cũng theo bà Lý Kim Chi, hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, châu Âu, ASEAN, Nhật Bản. Tại những thị trường này, Việt Nam đã ký các FTA và với hàng nông, thủy, hải sản, lương thực thực phẩm chế biến, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là đã có thể thuận lợi gia nhập thị trường. Còn nếu xét về giá thành thì hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi tuyệt đối mức 0%. Điều này cũng đồng nghĩa hàng Việt có năng lực cạnh tranh rất lớn tại các thị trường trên. 

Ở chiều ngược lại, với thị trường trong nước, DN sẽ chịu áp lực do hàng ngoại nhập ồ ạt nhưng vấn đề cũng không phải quá lo ngại. Nghiên cứu mới nhất do Công ty Nghiên cứu thị trường Ocean Blue cho biết, có đến 76% người tiêu dùng trong nước tin cậy và ưu tiên sử dụng hàng Việt, bởi họ nắm bắt được nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu và chất lượng. Xu hướng này định hình rõ từ năm 2020 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và hàng Việt vẫn đảm bảo nguồn cung ứng cũng như độ an toàn cho người sử dụng. 

Vấn đề còn lại các cơ quan chức năng cần cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển. Song song đó, khởi động lại chương trình kết nối chuỗi giá trị giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các ngành khác nhau, liên kết tạo chuỗi sản xuất với các nhà phân phối và liên kết giữa các tỉnh thành nhằm hướng đến phát triển liên kết vùng hiệu quả. Mặt khác, cung cấp thêm dịch vụ điều tra nghiên cứu và thông tin về thị trường cho DN, tiến tới tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối để DN hướng sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu.

Nông sản, thực phẩm xuất sang Trung Quốc phải có 4 loại giấy tờ
 Ngày 21-1, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) thông tin, chính quyền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang) vừa đưa ra một số yêu cầu để tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh vào Trung Quốc. Theo đó, nếu không có đủ 4 loại giấy tờ (chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch; chứng nhận khử trùng; chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp; chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19) thì các mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc. 
Vì vậy, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc để quá trình thông quan diễn ra thuận lợi.
PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục